Những ông Đồ cho chữ được sắp xếp ngồi trong Hồ Văn ở Văn Miếu vẫn luôn hoài niệm về "Phố ông Đồ". |
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tỏ giấy đỏ
Bến phố đông người qua”
Câu thơ trong bài thơ nổi tiếng “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên dù đã có tuổi đời hơn 80 năm nhưng vẫn còn mang đậm dấu ấn của hiện thực, của những ký ức trong mỗi người dân Hà Nội. Thế nhưng giờ đây, khi dạo qua con “Phố ông Đồ” ở Văn Miếu, người ta không còn thấy bóng dáng “những người muôn năm cũ” ngồi đó.
Giống như 3 năm trước, dịp Tết Nguyên Đán 2017 năm nay, hàng chục ông Đồ viết chữ Hán - Nôm, chữ Quốc ngữ đã tham gia Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 tại Hồ Văn, thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội và BTC đã sắp xếp chỗ ngồi tại đây để các ông Đồ cho chữ những người dân tới tham quan.
Dòng người khi tới đây, trước là để tham quan, thưởng ngoạn những nét đẹp sinh ra từ cây bút, dòng mực, sau là xin đôi câu chữ với những ý nguyện được gửi gắm một cách chân thành.
“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay"
Có mặt tại đây, không chỉ là những ông Đồ già truyền thống, nhiều người trẻ cũng được dịp thể hiện tài năng, tâm huyết của mình với thư pháp, với con chữ và phô bày nghệ thuật trước mắt những người tới thưởng chữ.
Tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Mỗi nét chữ thể hiện được tính nhân văn, thẩm mỹ và người xin chữ luôn mong muốn điều tốt lành trong năm mới cho gia đình, bản thân, cho cơ quan, tập thể. Chính vì thế, người viết chữ luôn hướng thiện và chọn chữ phù hợp để cách thể hiện chữ đúng với tính cách của người xin chữ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận