Nếu ghi cả tên sông mà cây cầu bắc qua sẽ giúp du khách thêm trải nghiệm. |
Tôi tin chắc rằng, có rất nhiều người nghĩ và mong muốn như những gì tôi sắp đề nghị ngành Giao thông. Một vài người bạn của tôi, từng nghe tôi nói ý tưởng, còn tỏ ra rất sốt ruột, thúc giục tôi viết sớm, cho đăng sớm, nhất là trên chính tờ báo của ngành.
Vâng, chuyện cũng đơn giản thôi.
Mỗi lần có chuyến phải đi đến những vùng đất lạ, chắc chắn bạn cũng như tôi, đều tò mò muốn biết tên của những vùng đất ấy.
Ước muốn tương tự như vậy cũng bùng lên khi ta qua những cây cầu. Là một quốc gia thuộc về vùng nhiệt đới, chúng ta có rất nhiều sông, suối. Có thể nói mạng lưới sông suối chằng chịt. Cho dù từ bé, bất cứ ai cũng được học địa lý, thì không phải cứ thế là có thể biết hết tên của từng con sông. Chưa kể khi qua mỗi địa phương, thì tên con sông lại khác.
Trên một con sông có thể bắc nhiều cây cầu. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống giao thông, chưa khi nào đất nước có nhiều cây cầu như hiện nay. Trừ những địa danh đã quá nổi tiếng và quen thuộc gắn với nhau như cầu: Long Biên - sông Hồng, cầu Tràng Tiền - sông Hương, cầu Hàm Rồng - sông Mã…,tôi tin rằng phần lớn những cây cầu còn lại đều không gợi trong trí nhớ du khách đến một con sông cụ thể nào. Trong khi đó, thì hầu hết người đi đường luôn tò mò muốn biết mình vừa vượt qua con sông nào trong mạng lưới sông suối dày đặc và không thể nhớ hết tên của đất nước. Một trải nghiệm du lịch rõ ràng là rất thú vị mà ai cũng muốn có. Đây là một nhu cầu có thật, thậm chí rất cấp thiết. Giả sử có một cuộc điều tra về có hay không nhu cầu này, tôi tin đa số sẽ trả lời có.
Vì thế, khẩn thiết đề nghị ngành Giao thông, trên mỗi bảng ghi tên cầu đã rất đẹp đẽ, rõ ràng, nên cho thêm một cái tên sông đóng mở ngoặc đơn ở phía dưới, có thể cỡ chữ nhỏ hơn. Chẳng hạn cầu Đoan Hùng (trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), có thêm cái ngoặc đơn ghi (sông Lô), cầu Phú Lương (sông Thái Bình), cầu Trung Hà (sông Đà)... Việc này không hề tốn kém mảy may, chỉ là một công đôi việc, thậm chí một công rất nhiều việc, nhưng cái lợi thì không thể tính đếm hết. Giống như cách mà những thành phố lớn đang làm, dưới tên mỗi con đường, có kèm theo lời thuyết minh ngắn bên dưới về nhân vật lịch sử, không những rất ích lợi trong việc cung cấp kiến thức, lôi kéo học sinh, sinh viên đến với lịch sử nước nhà, mà còn góp phần đánh thức lòng tự hào dân tộc cho mọi người.
Tương tự như vậy với tên của những dòng sông.
Gọi tên con sông cho du khách mỗi khi họ bắt gặp trên mỗi cung đường hành hương, không chỉ cho họ thêm kiến thức về địa lý một cách thực tế (thường chúng ta khi đọc sách phải hình dung, còn khi chứng kiến thì luôn gắn với tên của vùng đất nào đó rất cụ thể), mà còn làm vang lên trong tâm hồn con người tình yêu quê hương, xứ sở cùng với khát khao làm đẹp, đồng thời bảo vệ, gìn giữ giang sơn gấm vóc trời đất ban cho, được ông bà bồi đắp, xây dựng và để lại như một thứ của thừa kế cho con cháu.
Việc này rõ ràng là nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nhưng ích nước lợi dân thì tôi tin là không hề nhỏ tí nào. Mong lắm ở ngành Giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận