Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch Việt Nam - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, đa số nguyên nhân gây đột tử độ tuổi ngoài 50 do những bệnh lý tim mạch thường gặp khác gây ra như: Tăng huyết áp, bệnh động mạch vành..., đặc biệt là khi không thực hiện các biện pháp phòng ngừa, uống thuốc đầy đủ.
Có người bị đột tử ngay cả trong lúc đang ngủ.
Do vậy, để phòng bệnh tim mạch, mọi người phải kế hoạch phòng ngừa, thăm khám, điều trị.
Những người có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm virus có sốt, đặc biệt là có khó thở, đau ngực, tim đập nhanh, ngất... cần được khám để xác định bệnh cũng như loại trừ bạn có bị biến chứng hay không.
Khi đi khám, siêu âm tim là một biện pháp chẩn đoán hình ảnh hữu hiệu giúp đánh giá chức năng tim, các biến chứng như tràn dịch màng tim và loại trừ các bệnh lý tim mạch khác như hở, hẹp van tim...
Tuy nhiên, chỉ biện pháp siêu âm tim không đủ chẩn đoán xác định có viêm cơ tim hay không.
Để chẩn đoán xác định viêm cơ tim, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu giúp phát hiện tình trạng viêm nhiễm và tăng men tim nếu có, các xét nghiệm định danh virus, vi khuẩn nếu có nghi ngờ, siêu âm tim thấy có giảm co bóp cơ tim, đặc biệt chụp cộng hưởng từ cơ tim có thể cho phép chẩn đoán được tình trạng viêm cơ tim.
Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định viêm cơ tim cần sinh thiết cơ tim và làm xét nghiệm mô bệnh học.
Về những dấu hiệu cảnh báo tim hoạt động không bình thường, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, có một số dấu hiệu cảnh báo tim có bệnh, cần phải lưu ý.
Thứ nhất là hay hồi hộp đánh trống ngực; nhịp tim nhanh bất thường, bình thường nhịp tim 65-80 lần/phút. Khi nhịp tim dưới 55 hoặc trên 80 thì cần phải đi khám tim mạch để tìm nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim.
Nhịp tim quá nhanh, quá chậm, hoặc không đều là những dấu hiệu của bệnh tim. Muốn biết rõ ràng hơn về căn bệnh này cần đến bác sĩ để nghe tim, làm điện tâm đồ, làm siêu âm tim, đo chức năng tim, đặc biệt ở những người mắc bệnh Basedow, những người có tiền sử mắc bệnh mạch vành, hẹp hở hai lá...
Các chuyên gia khuyến cáo, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh tim mạch.
Trước câu hỏi, ăn cháo tim để phòng bệnh tim mạch, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng khẳng định, không có bằng chứng nào cho thấy ăn cháo tim có tác dụng phòng chống các bệnh tim mạch nói chung và bệnh viêm cơ tim nói riêng.
Trong một chừng mực nào đó nếu ăn quá nhiều nội tạng động vật, chứa nhiều cholesterol là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh xơ vữa động mạch, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, cần tiêm phòng với những bệnh có vắc-xin. Luôn luôn bảo vệ đường hô hấp của mình bằng cách giữ ấm. Khi có biểu hiện nhiễm trùng, sốt cao cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận