Làm báo cùng Giao thông

Viết bài giữa đêm trên đại lộ Thăng Long

29/01/2018, 16:18

Trên đường tác nghiệp, chúng tôi - những thế hệ làm Báo Giao thông có nhiều kỷ niệm, tâm tình...

25

 Nguyên Phó TBT Báo Bạn đường An Thanh Lương

Cuộc đua kỷ lục và vụ tắc đường đáng yêu

Chuẩn bị kỉ niệm 55 năm ra số đầu tiên, Ban biên tập đặt tôi viết bài về một kỉ niệm sâu sắc nhất khi làm Báo Bạn đường sau này hợp nhất với Báo Giao thông vận tải thành Báo Giao thông hôm nay.

Kỉ niệm có nhiều nhưng tôi xin kể một kỉ niệm nhỏ nhưng tôi nhớ mãi.

Báo Bạn đường là tờ báo của Ủy ban ATGT Quốc gia, tuyên truyền về các hoạt động bảo đảm giao thông an toàn nên càng có nhiều người đọc càng tốt. Chúng tôi trăn trở suy nghĩ xem nên tổ chức hoạt động xã hội nào phù hợp để mở rộng diện quảng bá của tờ báo. Khi đó, Tiền Phong có thi hoa hậu, Thanh niên thì có Duyên dáng Việt Nam, Giải bóng đá quốc tế U21... Cuối cùng, chúng tôi chọn tổ thức Giải đua xe đạp nữ mở rộng tranh Cúp Báo Bạn đường.

Tôi báo cáo chủ trương lên Ủy ban ATGT Quốc gia và được chấp thuận. Ra về, chúng tôi bắt đầu công tác chuẩn bị. Liên hệ với Liên đoàn Xe đạp thể thao do anh Đoàn Kim Phách làm Tổng Thư ký để xin chủ trương, giấy phép và nhờ lo công tác chuyên môn. Khi đó, tôi - An Thanh Lương, Phó TBT thường trực làm Trưởng ban Tổ chức.

Cuộc đua đầu tiên diễn ra vào mùa hè năm 2000, ngoài các đội nữ Việt Nam quen thuộc như: Sài Gòn, Quân khu 9, Bảo vệ thực vật An Giang, tuyển nữ Hà Nội cũng được thành lập và lao vào luyện tập. Đặc biệt, có sự tham gia của một đội nữ quốc tế duy nhất đến từ Malaysia.

Cuộc đua ngày đầu tiên quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Ngày thứ hai từ Hà Nội đi Hải Dương. Trên đường đi, chúng tôi bất ngờ vì rất đông đồng bào đứng hai bên đường 5 vẫy chào. Đến TP Hải Dương, tốp đầu hơn 10 đối thủ tăng tốc về đích bỏ lại khá xa nhóm bám đuổi. Tưởng đoàn đua đã hết, hàng nghìn người dân đứng cổ vũ ào xuống sau đoàn đua làm tắc đường một quãng dài. Đó là vụ tắc đường đáng yêu nhất tôi từng chứng kiến.

Trong 5 địa điểm đoàn đua đi qua: Hà Nội, Hải Dương, Đông Triều, Bãi Cháy, Hải Phòng, thì Hải Dương là địa phương tổ chức chu đáo nhất.

Tại hội trường của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh có mặt từ sớm để đón đoàn, cả trăm bó hoa được chuẩn bị sẵn để tặng tất cả các thành viên của đoàn đua, các vận động viên, ban tổ chức đoàn đua, các phóng viên, ai cũng có hoa, ai cũng có quà kỉ niệm.

Anh Đoàn Kim Phách, Tổng Thư ký lâu năm của Liên đoàn Thể thao xe đạp, mô tô, người từng tổ chức nhiều cuộc đua phải thốt lên: “Thật kỉ lục, chưa bao giờ tôi thấy đông người cổ vũ đến thế”.

Sở dĩ có được kết quả như vậy, công lớn thuộc về anh Lương, Phó giám đốc Sở GTVT, Phó ban ATGT tỉnh Hải Dương. Anh là người trực tiếp đôn đốc các địa phương trong tỉnh, lo từng bó hoa đẹp, để lại tình cảm đặc biệt với đoàn đua.

Cuộc đua đã thành công mỹ mãn. Rất tiếc sau này, Báo Bạn đường không tiếp tục tổ chức. Cơ hội này đến tay Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và họ vẫn tiếp tục đến tận bây giờ.

An Thanh Lương (nguyên Phó TBT Báo Bạn đường)

26

PV Hữu Tuấn (đeo kính) tác nghiệp tại hiện trưởng

Viết bài giữa đêm trên đại lộ Thăng Long

Gần 22h đêm 7/1/2016, đang chuẩn bị đi ngủ, tôi nhận được cuộc gọi của lãnh đạo Ban thông báo có đoàn xe quá tải bị bắt giữ đang chống đối trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội). Tôi vội xách ba lô đã để sẵn máy ảnh, máy tính, máy ghi âm và cuốn sổ, gọi một đồng nghiệp rồi lao đến hiện trường. Trời tối đen, đại lộ Thăng Long hun hút gió, lạnh buốt, chúng tôi phải chạy men theo đường gom để tiếp cận hiện trường vì đường cấm xe máy đi vào. Trời tối không có ánh đèn, sương mù dày đặc, đường khuya vắng vẻ khiến chúng tôi đi lạc mấy lần.

Để tới được hiện trường nơi đoàn xe quá tải, cơi nới thành thùng bị bắt giữ tại Km 25 đại lộ Thăng Long, đoạn qua địa phận xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội), chúng tôi phải chạy tắt vào con đường đất cong cua, ghồ ghề. Trong đêm mù, người cầm lái rú ga, người phía sau dồn sức đẩy, cuối cùng cũng tiến sát được hàng rào hộ lan. Lo mất xe không có gì đi về, chúng tôi hì hục bê xe qua thanh chắn để ở ven đại lộ. Gió lạnh hun hút thổi mà cả hai anh em ướt đẫm mồ hôi. Vật lộn hồi lâu rồi chúng tôi cũng tới hiện trường và là những phóng viên đầu tiên có mặt.

Lúc này, đám đông đang vây quanh 5 chiếc xe tải hiệu HOWO đang chất đá có ngọn, trên đầu xe đều dán chữ “Tuấn Anh”. Dọc đoạn đường đoàn xe này vừa chạy qua, vẫn đầy đá vụn rơi vung vãi. Một người đàn ông tự xưng tên Tuấn Anh, là chủ của 5 phương tiện trên hung hăng, chỉ đạo người vây ráp, cản trở thanh tra giao thông cân tải trọng xe. Không khí căng như dây đàn. Thậm chí, người này còn dọa nếu không “thả” xe, lực lượng thanh tra sẽ gánh hậu quả, sẽ “đốt xe và cùng chết”.

Chúng tôi mải phỏng vấn, thu thập thông tin trong đám đông nhốn nháo và những lời hăm dọa, đến khi quay lại tìm xe thì ôi thôi. Chiếc xe nằm bẹp bên vệ đường, lốp xe đã bị ai đó rạch nát.

May mắn, một chiến sỹ CSGT thuộc Phòng CSGT Hà Nội đã cho chiếc Wave thần thánh của chúng tôi lên thùng xe bán tải công vụ “đi nhờ” về đội.

Ngồi giữa đường hoàn thành bài báo trong đêm, nhóm phóng viên trở thành những người đồng hành cùng lực lượng chức năng trong cuộc chiến chống xe quá tải. Vụ việc nóng đến nỗi, phải hơn chục tiếng đồng hồ sau với rất nhiều diễn biến và áp lực, chủ xe mới chịu hợp tác xuất trình giấy tờ, ký vào biên bản xử phạt và đưa xe đi hạ tải, cắt thành thùng theo đúng quy định.

Hữu Tuấn

27

PV Ban Giao thông Trần Duy

Hạnh phúc từ những email, tin nhắn của... người lạ

Vẫn còn nhiều điều đọng lại trong chúng tôi khi kết thúc loạt bài điều tra Xe chở công nhân Samsung vô tư phạm luật đăng trên Báo Giao thông. Đó là những ngày kiên trì đeo bám, vất vả.

Ngày đó, những chiếc xe Samsung kềnh càng là nỗi ám ảnh trên nhiều tuyến đường Hà Nội và các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang... Người dân phản ánh rất nhiều, thậm chí có hàng trăm lượt chia sẻ và hàng nghìn bình luận trên mạng xã hội tố các tài xế đi ẩu nhưng dường như không thể tác động tới những “xe vua” này.

Để có đủ bằng chứng làm loạt bài, chúng tôi bám đuổi đoàn xe hung thần cả chục ngày trời, mỗi sáng tinh mơ và khi tờ mờ tối. Ở Bắc Giang, có vài lần chúng tôi dừng chân ở một quán nước ven QL1 qua Lạng Giang. Người phụ nữ chủ quán chắc cũng đoán ra chúng tôi là nhà báo chứ không phải kỹ sư đường bộ đi khảo sát tuyến như tự giới thiệu. Chị lúc nào cũng xếp cho chúng tôi chỗ ngồi kín đáo, từ đó chúng tôi có thể ghi hình xe đón trả khách mà không bị lái xe phát hiện.

Khi loạt bài được đăng tải, hàng trăm bạn đọc bình luận, gửi email về tòa soạn động viên, chia sẻ, thậm chí cung cấp thêm bằng chứng vi phạm của các xe này. Trong số tin nhắn gửi về đường dây nóng, chúng tôi nhận ra tin nhắn của người phụ nữ chủ quán nước, chị viết: “Tôi biết ngay các chú là nhà báo, nhưng nay mới biết là PV Báo Giao thông. Cảm ơn các chú, điểm đón trả khách ở đó đã dừng hoạt động, chúng tôi cũng không còn nơm nớp lo sợ cách đi ngang ngược của những siêu xe này mỗi ngày”.

Đời làm báo, chỉ cần nhận được một tin nhắn từ người lạ như thế là hạnh phúc, lại thêm năng lượng lao vào đề tài khác.

Sau loạt bài phản ánh, Ủy ban ATGT Quốc gia đã trực tiếp yêu cầu CSGT kiên quyết kiểm tra, xử lý vi phạm của các doanh nghiệp vận tải ký hợp đồng đưa đón công nhân của Samsung; yêu cầu Sở GTVT các tỉnh phải bố trí điểm đỗ hợp lý cho các doanh nghiệp có nhu cầu đưa đón công nhân đúng quy định, đảm bảo ATGT, chấm dứt tình trạng xe của các doanh nghiệp lớn ngang nhiên vi phạm gây mất trật tự, an toàn.

Năm đó, loạt bài được trao giải Đặc biệt, báo chí viết về ATGT do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức và nhận giải C Báo chí quốc gia thể loại Phóng sự điều tra. Có nhiều cảm xúc còn đọng lại sau những loạt bài như thế, nhất là những đêm vất vả bám theo xe dù, xe quá tải... nhưng chúng tôi vẫn luôn vững vàng khi có bạn đọc đồng hành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.