Chỉ trông chờ ngân sách, nhà tài trợ
Việt Nam cần có định hướng phát triển kinh tế thể thao để giải bài toán tài chính
Tuần trước, làng thể thao Việt Nam xôn xao trước câu chuyện Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 phải thu gọn danh sách VĐV do tài chính không đảm bảo.
Ngân sách hạn chế, khối lượng công việc đồ sộ nên ngành thể thao lâu nay vẫn luôn rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Nếu không nhờ SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà, hàng loạt công trình thể thao tại Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận vẫn ở tình trạng xuống cấp, không thể sửa chữa vì thiếu tiền.
Cũng bởi ngân sách hạn chế, các VĐV cứ mỗi độ Tết đến, xuân về lại ngậm ngùi vì thưởng chỉ mang tính chất tượng trưng. Nếu tham dự giải đấu quốc tế, VĐV có cơ hội lấy tiền thưởng từ huy chương nhưng đâu phải ai cũng đủ xuất sắc, đủ may mắn để giành chiến thắng. Thế nên, chuyện thưởng Tết cân giò, cặp bánh chưng hay giỏ quà vốn không xa lạ với VĐV Việt Nam.
Trước thềm mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2023, hai CLB thi đấu tại Hạng Nhất Quốc gia là Cần Thơ và Sài Gòn xin rút lui vì không có kinh phí. Đây chẳng phải chuyện hiếm bởi những năm qua, gần như mùa nào cũng có đội bóng điêu đứng vì không thể tự nuôi mình, chỉ trông chờ vào bầu sữa ngân sách hoặc nhà tài trợ.
Nếu thể thao Việt Nam có thể tự mang về nhiều nguồn lực, sẽ chẳng có những câu chuyện trên. Nhưng kinh tế thể thao vẫn còn là khái niệm xa lạ với những nhà hoạt động thể thao tại Việt Nam. Cơ chế xin - cho khiến thể thao Việt Nam trở nên bị động, thiếu sáng tạo trong việc tìm kiếm tài chính bằng điều kiện sẵn có.
Ngay cả với bóng đá, môn thể thao xã hội hóa mạnh mẽ nhất cũng chưa thực sự thoát khỏi cơ chế này. Ngoại trừ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, các CLB, các tổ chức khác chưa có bộ phận marketing, vận động tài trợ đúng nghĩa. Với nhiều liên đoàn thể thao khác, marketing thậm chí là con số 0.
Làm gì để thúc đẩy kinh tế thể thao?
Đánh giá về thực trạng kinh tế thể thao Việt Nam hiện tại, chuyên gia marketing thể thao Phan Huy Hoàng cho rằng, nhìn tổng thể vẫn còn rất nhiều hạn chế, kém chuyên nghiệp: “Nếu chia ra 10 phần thì phần chuyên nghiệp chỉ có 2. Điều này xuất phát từ việc chúng ta thiếu cơ sở vật chất đủ tốt làm bàn đạp và thiếu đội ngũ nhân sự chất lượng cao để định hướng, phát triển kinh tế thể thao một cách đồng bộ. Hiện nay, chúng ta vẫn làm nhưng manh mún và không phải hướng đi bền vững”.
Kinh tế thể thao phát triển mới có thể đầu tư nhiều cho VĐV. Chế độ, khẩu phần ăn cũng nhờ thế tăng lên, tạo nên sức mạnh thể chất. Khi sức mạnh thể chất tốt, đương nhiên thi đấu sẽ đạt thành tích cao, tiếp tục tạo nên nền tảng cho kinh tế thể thao.
Chuyên gia Phan Huy Hoàng
Cũng theo ông Hoàng, do điều kiện còn hạn chế nên thể thao Việt Nam nếu muốn phát triển kinh tế thì cần tập trung cải thiện cơ sở vật chất và chất lượng thi đấu để tạo tiền đề: “Chúng ta không thể đầu tư quá dàn trải, cần đầu tư cho những môn hút khán giả, lượng người xem đông như cầu lông, bóng đá, bóng bàn, bóng rổ, đua xe đạp, bóng chuyền…
Nhưng để khán giả hứng thú tới sân đấu thì cơ sở vật chất phải tốt. Chẳng ai muốn đi xem một trận bóng đá mà cái nhà vệ sinh cáu bẩn, hôi hám. Bên cạnh đó, đào tạo trẻ phải đi kèm với đào tạo có thành tích, duy trì thành tích mới thu hút được người xem”.
Ông Hoàng phân tích thêm, từ tiền đề như trên, các môn thể thao mới thu hút đông đảo người xem, nhiều người xem sẽ có thần tượng, có thần tượng sẽ có nhãn hàng nhảy vào đầu tư. Sự kết hợp này sẽ tạo nên các thương hiệu thể thao và tiếp tục mang về thêm nguồn lợi kinh tế.
Trong khi đó, theo bà Đỗ Phương Chi, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Truyền thông Thế hệ mới, đơn vị từng khai thác hình ảnh nhiều giải đấu thể thao trong nước lẫn quốc tế, Việt Nam đang ở giai đoạn hình thành nền kinh tế thể thao đúng nghĩa.
“Chúng ta đang thiếu yếu tố quan trọng là chính sách phát triển nền kinh tế thể thao đồng bộ cùng sự quyết tâm của tất cả các thành phần tham gia đời sống thể thao”, bà Chi nói và cho rằng, muốn phát triển kinh thế thể thao, việc trước tiên cần làm là nhìn nhận thể thao theo góc nhìn kinh tế và cần bắt đầu từ tư duy.
“Chúng ta cần có những bước nghiên cứu, khảo sát và lên kế hoạch phù hợp với đặc trưng của Việt Nam; tham khảo các mô hình thành công trên thế giới; đào tạo nhân lực quản lý chất lượng cao và thử nghiệm các mô hình mới. Bên cạnh đó, cần nâng cao thành tích thể thao chuyên nghiệp”, bà Chi phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận