Hồ sơ tài liệu

Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh: Bà Kamala đến Việt Nam trong thời điểm đặc biệt

25/08/2021, 07:39

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã có cuộc trò chuyện với Báo Giao thông xung quanh sự kiện này.

Tối 24/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức 3 ngày (24-26/8). Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã có cuộc trò chuyện với Báo Giao thông xung quanh sự kiện này.

img

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. Ảnh: BizLive

Khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong khu vực

Ông có nhận định như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm của bà Kamala Harris tới Việt Nam?

Điểm cần nhấn mạnh nhất trong chuyến thăm lần này chính là thời điểm diễn ra sự kiện.

Chuyến công du được tổ chức ngay trong những tháng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây thường là khoảng thời gian quan trọng bộc lộ rõ nhất chiến lược đối ngoại của Mỹ với thế giới.

Ngay trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bà Kamala Harris, quan chức có quyền lực thứ 2 trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chọn Đông Nam Á. Giữa các nước Đông Nam Á lại chọn Việt Nam là một trong hai nước ưu tiên (cùng Singapore - PV).

Theo báo Bloomberg, chiều 24/8, chuyến bay của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khởi hành từ Singapore đến Hà Nội đã bị trì hoãn vì một lý do chưa xác định.
Theo lịch trình được công bố trước đó, bà Kamala Harris sẽ khởi hành từ Singapore lúc 16h ngày 24/8 (giờ địa phương) để đến Sân bay quốc tế Nội Bài vào khoảng 18h chiều cùng ngày.


Ngay trong thông báo chính thức về chuyến thăm ngày 30/7, Nhà Trắng đã khẳng định, Việt Nam và Singapore là 2 đối tác quan trọng hàng đầu trong khu vực và mong muốn cùng nhau hợp tác vì hòa bình ổn định, phát triển dựa trên luật pháp quốc tế.

Qua đó, có thể thấy, chính quyền Tổng thống Joe Biden rất coi trọng sự gắn kết của Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Đông Nam Á là điểm nhấn, coi trọng vai trò của ASEAN, cấu trúc khu vực do ASEAN giữ vai trò trung tâm.

Chính quyền Mỹ nhận thấy vai trò của Việt Nam đang ngày càng tích cực, mang tính xây dựng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khu vực ASEAN.

Tất cả thể hiện qua khuôn khổ ASEAN mà Việt Nam làm Chủ tịch năm 2020, qua khuôn khổ APEC hay việc Việt Nam là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam đã đổi mới, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ.

Từ tất cả các yếu tố trên, dù có những khó khăn như dịch bệnh hay trong lòng nước Mỹ còn vấn đề nảy sinh nhưng Phó Tổng thống Mỹ vẫn đến thăm khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Điều đó cho thấy, Việt Nam có ưu tiên chiến lược rất cao với Mỹ.

img

Ông Phạm Quang Vinh - ảnh Bình Nguyên.

Việt Nam đang trở thành điểm đến của Mỹ trong quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung… Vậy, chúng ta có thể phát triển, đón đầu những lĩnh vực gì trong chuỗi cung ứng, thưa ông?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nước lớn cạnh tranh gay gắt, các nước trong khu vực châu Âu và Mỹ đều tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Đặc biệt, hiện nay chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy vì dịch bệnh, tất cả đã tạo ra thay đổi, chuyển dịch.

Tất nhiên, quốc gia nào có lợi thế cạnh tranh, có thể tạo ra lợi nhuận mà kiểm soát được dịch, duy trì chuỗi cung ứng thiết yếu thì sẽ là điểm đến rất hấp dẫn.

Trong bài phát biểu tại Singapore về kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Phó Tổng thống Harris nói rằng, tầm nhìn của Hoa Kỳ hướng tới “hòa bình và ổn định, tự do trên biển, thương mại không bị cản trở, thúc đẩy nhân quyền, tuân thủ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và nhận thức những lợi ích chung”.

Quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng, cam kết của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chống lại bất cứ quốc gia nào, cũng không được thiết kế để khiến cho bất cứ ai phải lựa chọn phe. Hoa Kỳ sẽ đầu tư thời gian và năng lượng của mình để tăng cường mối quan hệ đối tác quan trọng với Singapore và Việt Nam.

Phó Tổng thống Mỹ khẳng định, Hoa Kỳ sẽ theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, giúp thúc đẩy các lợi ích của Washington và của các đối tác, đồng minh.

Cũng giống như các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden từng tới thăm khu vực châu Á mới đây, bà Harris cũng coi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông như một mối đe dọa chính trong khu vực.


Tại Việt Nam, đổi mới, hội nhập, đa dạng hóa đã là chủ trương từ lâu của đất nước. Song lúc này, chúng ta đang hướng đến mục tiêu cao hơn là lựa chọn chuỗi cung ứng chất lượng cao.

Chúng ta không chỉ đón đợi riêng các doanh nghiệp Mỹ mà cả khu vực châu Âu và nhiều thị trường khác, kể cả Trung Quốc.

Song, tất cả đều phải dựa trên lợi ích quốc gia, đảm bảo lâu dài, bền vững, công nghệ cao, giữ gìn môi trường.

Đại dịch có thể khiến các doanh nghiệp lao đao nhưng không nên vì khó khăn mà tranh thủ cái lợi trước mắt, chọn những nguồn cung ứng thiếu bền vững.

Hiện tại, chúng ta đang duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thông thường và điện tử. Nhưng trong thời kỳ mới, chúng ta có thể hướng tới kinh tế năng lượng sạch, dịch vụ kinh tế sạch như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, khí hóa lỏng... Đây là lĩnh vực rất tiềm năng tại Mỹ và hiện được chính quyền Tổng thống Joe Biden chú trọng.

Chúng ta cũng nên đón đầu thị trường chất bán dẫn khi các nước lớn đều đang “khát” nguồn cung đa dạng. Hay như vaccine, nếu chúng ta có thể tự chủ, phục vụ đủ trong nước thì hoàn toàn có thể hướng ra thị trường khu vực.

Còn nhiều lĩnh vực tiềm năng khác như kinh tế số và thương mại số. Thậm chí, ngay cả nông nghiệp của Việt Nam cũng có rất nhiều lợi thế để phát triển giá trị gia tăng hơn nhiều so với hiện nay.

Việc đảm bảo chuỗi cung ứng, thương mại điện tử là những điều đã và sẽ được nói nhiều trong chuyến thăm của bà Kamala Harris.

Cơ hội đã có nhưng để làm được, Việt Nam cần phải chuẩn bị khung pháp lý chính xác, thông thoáng; hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng số); nhân lực (lao động và quản lý); phát triển và ứng dụng công nghệ; tìm cách kết nối nền kinh tế Việt Nam với khu vực.

Cơ hội để mở rộng hợp tác từ công nghệ, tài chính, dây chuyền sản xuất

Tại Đông Nam Á, Việt Nam là 1 trong 3 nước đang thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước. Vậy theo ông, Việt Nam có thể kỳ vọng trở thành trung tâm vaccine cho khu vực khi các nước Đông Nam Á đang chật vật xoay xở tìm kiếm vaccine hay không?

Việt Nam có đủ năng lực từ kỹ thuật, nhân lực, có kinh nghiệm sản xuất nhiều loại vaccine (sởi, tả…) và cả kinh nghiệm trong y tế cộng đồng nên tôi tin chắc rằng, chúng ta rất mong muốn trở thành một mắt xích, một trung tâm của khu vực về vaccine.

Thực tế, đã có 2 nước trong khu vực phát triển trở thành ngành du lịch y tế như Singapore và Thái Lan.

Để làm được như vậy, Việt Nam có thể nhận chuyển giao công nghệ vaccine như trường hợp giữa Công ty Arcturus (Mỹ) đã chuyển giao công nghệ vaccine cho Vingroup của Việt Nam và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng.

img

Theo kế hoạch, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 - 26/8

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có nhiều cơ sở nghiên cứu vaccine tiềm năng và khả năng được nghiệm thu sản xuất, cấp phép khẩn cấp là rất lớn. Chính phủ đang quyết liệt tạo điều kiện.

Khi cả khu vực đang đều mong mỏi vaccine thì tự nó đã hình thành chuỗi cung ứng và cơ hội của Việt Nam là rất lớn.

Nhìn xa hơn, Việt Nam có thể tìm kiếm việc phê chuẩn quốc tế để trở thành vaccine của toàn cầu, tương tự như vaccine của Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc...

Trong đà quan hệ tốt đẹp Việt - Mỹ, chúng ta nên tận dụng cơ hội để mở rộng hợp tác từ công nghệ, tài chính, phương thức quản lý, dây chuyền sản xuất… để xây dựng thành mắt xích, trung tâm vaccine quan trọng trong khu vực.

Với những bước tiến dài và liên tục trong quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua, sau chuyến thăm quan trọng này, liệu quan hệ hai nước sẽ bước lên tầm chiến lược?

Qua chuyến thăm, chắc chắn hai bên sẽ đều tăng cường đà quan hệ, tạo dấu ấn. Dù có định danh như thế nào thì theo tôi, bản chất hai nước đã có sẵn tính chiến lược và toàn diện.

Cảm ơn ông!

Lịch trình dự kiến của bà Kamala Harris tại Việt Nam

Bà Kamala Harris là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ tới Việt Nam từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức và được tiếp nối sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào cuối tháng 7 vừa qua.

Theo kế hoạch, các hoạt động chính thức của Phó Tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu từ sáng 25/8. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ chủ trì đón tiếp Phó Tổng thống Mỹ. Sau đó, bà Harris cũng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Việt Nam.

Nguồn tin từ Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội.

Bà Kamala Harris dự kiến cũng sẽ gặp gỡ đại diện của các tổ chức xã hội về bảo vệ môi trường, trao quyền cho phụ nữ, quyền của người khuyết tật và cộng đồng LGBTQ+.

Sau khi kết thúc chuyến thăm, vào ngày 26/8, Phó Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ chủ trì họp báo về kết quả của chuyến thăm và tương lai của Quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.