Thị trường

Việt Nam đã gặp cú sốc về xăng, đừng để bị động với khủng khoảng năng lượng

21/09/2022, 07:22

Đó là chia sẻ của ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh văn phòng BCĐ TKNL, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững, Bộ Công thương.

Những đất nước tôn trọng nhu cầu cá nhân cũng phải vào khuôn khổ TKNL

Trước thực tế khủng hoảng năng lượng đang lan rộng ở nhiều nước châu Âu, nhiều nước đã tìm đối sách để tiết kiệm năng lượng (TKNL).

Nổi bật nhất là sự kiện tòa tháp Eiffel - biểu tượng của nước Pháp sẽ tắt đèn sớm hơn 1 tiếng để TKNL. Hành động trên cho thấy một thông điệp dứt khoát của đất nước này về TKNL, và cũng cho thấy những khó khăn hiện hữu trong cung ứng năng lượng hiện nay trên phạm vi toàn cầu.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh văn phòng BCĐ TKNL, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) nhấn mạnh, biến động thực tế ở châu Âu cho chúng ta thấy rằng, Việt Nam cũng không đứng ngoài guồng quay chung của thế giới.

img

Dự kiến, sự phụ thuộc vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu còn tăng lên tới năm 2030. Do đó, TKNL là cách để Việt Nam không bị động với khủng khoảng năng lượng

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, hiện nay các nước châu Âu đang thực hiện rất mạnh mẽ các giải pháp TKNL. Đơn cử như Tây Ban Nha đang yêu cầu, các loại điều hòa không khí, kể cả hộ gia đình cũng không được đặt dưới 26 ℃ vào mùa hè, còn mùa đông, các loại máy sưởi không được đặt trên 19 ℃.

“Ở châu Âu, họ rất tôn trọng nhu cầu cá nhân, nhưng bây giờ, họ đã có những quy định bắt buộc. Cho thấy quy định về TKNL được thực hiện một cách nghiêm ngặt, các cá nhân cũng phải thực hiện bắt buộc”, ông Vũ nói.

Hiện nay, tình hình cung ứng năng lượng của Việt Nam chưa ở trong tình trạng căng thẳng như vậy, tuy nhiên, theo ông Vũ, chúng ta cũng cần có bước chuẩn bị và nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp nhằm chủ động ứng phó với những bất thường về cung ứng năng lượng.

Việt Nam: Năng lượng nhập khẩu sẽ tăng dần

“Chúng ta đã gặp những cú sốc trong giá xăng dầu ở quý I và quý II năm nay, do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Dù giá gần đây có giảm, tuy nhiên, chúng ta lại không dự báo được xu hướng thị trường năng lượng trong tương lai, khi Việt Nam đã là nước nhập siêu năng lượng sơ cấp từ năm 2015, đến nay.

Dự kiến, sự phụ thuộc vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu còn tăng lên tới năm 2030. Do đó, đừng để bị động với khủng khoảng năng lượng”, ông Vũ nói.

Phó Chánh văn phòng BCĐ TKNL nhấn mạnh, chúng ta cần phải có phương án, kịch bản giảm thiểu lệ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, để có thể giúp chúng ta tăng cao khả năng tự chủ.

“Chúng tôi muốn gửi thông điệp đến tất cả người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, nâng cao ý thức và trách nhiệm tuân thủ pháp luật về TKNL, để sử dụng có trách nhiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng của chúng ta”, ông Vũ bày tỏ.

Cần đẩy mạnh TKNL ở lĩnh vực công nghiệp

Nhu cầu sử dụng năng lượng quốc gia tăng nhanh, khoảng cỡ 7% giai đoạn 2011-2020. Đặc biệt, tăng trưởng tiêu thụ điện cỡ 10,5% giai đoạn 2011-2019.

Lĩnh vực công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Trước đây, lĩnh vực này tiêu thụ trên 40% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, đến 2020, con số tiêu thụ năng lượng đã lên đến 53%. Dự kiến, còn tăng lên trong giai đoạn tới.

“Vì thế, nếu làm tốt công tác TKNL trong lĩnh vực công nghiệp thì chúng ta có thể giúp cho quốc gia đạt mục tiêu tiết kiệm được 8-10% trong giai đoạn 2019-2030 theo quyết định 280 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Vũ nói.

Tuy nhiên, ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN cho rằng, quan sát thực tế việc triển khai các giải pháp TKNL đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung và doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm nói riêng cho thấy, về nhận thức, hầu hết các doanh nghiệp đều biết chủ trương, quy định của Nhà nước về TKNL.

img

Việc đầu vào dây chuyền sản xuất TKNL cần nguồn đầu tư lớn, khiến việc áp dụng giải pháp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng còn nhiều hạn chế

Song, việc áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng còn nhiều hạn chế.

Ông Trần Viết Nguyên phân tích, tại Việt Nam, chi phí năng lượng còn thấp, giá điện tại Việt Nam so với khu vực và thế giới khá thấp, giá điện trong khối sản xuất công nghiệp cũng khá thấp (nhờ được ưu đãi của Nhà nước).... “Điều này có khiến cho doanh nghiệp không mặn mà bỏ tiền ra đầu tư TKNL hay không?”, ông Nguyên đặt vấn đề.

Trong khi đó, việc đầu vào dây chuyền sản xuất TKNL cần nguồn đầu tư lớn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng giải pháp TKNL hiệu quả và tiết kiệm tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), Nghị định 21 và Nghị định 134, bắt buộc thực hiện với nhóm sử dụng năng lượng trọng điểm; Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quy chuẩn, quy định, định mức tiêu hao năng lượng với 7 quy định về định mức tiêu thụ năng lượng, áp dụng với các ngành: Hoá chất, thép, bia - rượu - nước giải khát, giấy và bột giấy, ngành nhựa, chế biến thuỷ hải sản và mía đường.

Tuy nhiên, ông Trần Viết Nguyên cho biết, nhiều doanh nghiệp không thực thi việc kiểm toán năng lượng 3 năm/lần, hoặc làm mang tính hình thức.

Còn về yêu cầu các đơn vị phải lập báo cáo hàng năm hoặc 5 năm, tiến hành kiểm toán, lập bộ máy quản lý theo dõi năng lượng (theo Nghị định 21), theo ông Nguyên, chưa hiệu quả!.

Quyết định kết quả này, đại diện EVN cho rằng, do các chế tài xử phạt dù có nhưng vẫn chưa áp dụng xử phạt, khiến cho việc thực hiện chưa được gắn liền vào thực tiễn.

Trước thực tế đó, ông Nguyên cho biết, EVN đã thí điểm cung cấp 1 số giải pháp cho khách hàng công nghiệp theo phương thức đầu tư hoàn toàn nhằm chứng minh tính hiệu quả của tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp.

Qua đó, EVN kiến nghị sẽ có nhiều cơ chế, chính sách mới vừa bắt buộc vừa mềm dẻo để áp dụng tới các cơ sở.

Đáp lại những kiến nghị từ phía EVN, Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, Bộ Công thương hiện được giao rà soát Luật TKNL và trình Quốc hội thông qua sửa Luật TKNL trong quý 4 năm nay.

Dự kiến được sửa theo hướng, nâng cao hiệu lực của Luật, mở rộng đối tượng, chuyển nhiều đối tượng sang dạng bắt buộc.

Song song đó, Bộ này sẽ trình QH sửa Luật TKNL theo hướng hỗ trợ DN thực hiện TKNL, đầu tư giải pháp TKNL.

Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 1.000 tấn dầu tương đương (1.000 TOE) trở lên;

Các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; Cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; Khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 500 tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên.

Hiện cả nước có 2.961 cơ sở, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, với mức tiêu thụ điện bình quân là 72 tỷ kWh/năm, chiếm 33% tổng tiêu thụ điện năng toàn quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.