Sẵn sàng các điều kiện đón các "ông lớn"
Góp mặt tại tọa đàm có đại diện các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, CMC; Ban quản lý khu công nghệ cao, khu công nghiệp và khu kinh tế một số tỉnh, thành phố.
Phía Hoa Kỳ có lãnh đạo cấp cao các tập đoàn công nghiệp bán dẫn hàng đầu: Intel, Ampere, ARM, Synopsys, Qualcomm, Marvell, Synopsys, Infineon.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn trong tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
Việt Nam đang hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 kỹ sư, thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Hoà Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất.
Bên cạnh đó, tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024.
Việt Nam thành lập NIC, có 3 khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ quan của quốc gia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn.
Đặc biệt, ông Dũng cho biết quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ đã phê duyệt, đảm bảo ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới đảm bảo năng lượng bền vững; hệ thống giao thông như đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế đã dần hoàn thiện và đồng bộ…
Chủ tịch SIA John Neuffer cho biết các doanh nghiệp thành viên của SIA có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon... Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư.
"Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu", ông John Neuffer nhấn mạnh.
Sẽ cung cấp đủ nhân lực cho ngành bán dẫn
Tại buổi gặp gỡ, hầu hết doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn được hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc lĩnh vực đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam. Đặc biệt, việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho ngành công nghiệp bán dẫn được các công ty này quan tâm.
Về điều này, ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất Miền Bắc, thuận lợi để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo cho công nghệ bán dẫn.
"Tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao", ông Tuấn nói.
Còn ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nói Việt Nam đứng vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á về đào tạo ngành toán và hóa học. Đây là nền tảng tốt để đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin. Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn.
Ông Phúc cho rằng nếu nhu cầu ngành chip bán dẫn tăng lên, sinh viên sẽ chuyển sang quan tâm lĩnh vực này nhiều hơn. Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực từ đào tạo bổ sung cho tới đào tạo mới hoàn toàn. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ cho sinh viên đến thực tập, hỗ trợ các trường đại học xây dựng phòng thí nghiệm.
Với những lợi thế hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam đảm bảo sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất, đầy đủ nhất cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận