Để có ngành công nghiệp Kpop phát triển như ngày nay, người Hàn cũng đã trải quacuộc chiến bản quyền hết sức khó khăn |
Khó không của riêng ai
Trong hội nghị “Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2017” mới đây, bức tranh về bảo vệ tác quyền tại Hàn Quốc đã phần nào được phác họa. Để có nền công nghiệp âm nhạc hùng mạnh, với làn sóng Kpop áp đảo cả châu Á như hiện nay, người Hàn cũng đã phải trải qua cuộc chiến tác quyền cam go và nhiều thử thách không kém gì Việt Nam.
Gần đây, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) liên tục gặp trục trặc trong việc triển khai kế hoạch thu phí tác quyền âm nhạc. Tuy nhiên, nếu so với Hàn Quốc, thách thức này chưa thấm tháp vào đâu. Từ khi công bố Luật Bản quyền năm 1988, hơn 50% kế hoạch thu phí được triển khai đã thất bại thảm hại. Đó là chia sẻ thành thật của ông Lim Won Son, Chủ tịch Ủy ban Quyền tác giả Hàn Quốc. Trong số đó, có cả việc thu phí qua TV trong khách sạn như tại Việt Nam. Ông Son nói: “Người phải trả tiền họ không muốn trả, và lại càng không muốn trả nhiều. Chúng tôi mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người sử dụng, thậm chí là nâng cao nhận thức của họ về vấn đề bản quyền”.
Ở mức cao hơn, ông Lim Won Son cho hay: “Việc xây dựng cơ chế thu phí bản quyền ngày càng phức tạp. Cho tới giờ, hệ thống thu phí của chúng tôi vẫn còn lỗ hổng chưa thể bịt hết. Ví dụ như hoạt động phát sóng ở quán cà phê, dù đã ra đời nhiều năm nay nhưng mãi tới tháng 8/2018 mới được tính vào luật”. Ông Son khẳng định đây là việc làm tốn rất nhiều thời gian, đi kèm với rất nhiều thách thức trong việc đặt ra một mức phí thuyết phục người sử dụng.
Tại Việt Nam, một trong những khó khăn khác là việc đối mặt với sự phát triển của vi phạm bản quyền qua internet. Hàn Quốc đồng thời cũng gặp những khó khăn này. Ông Park In Kee, Đội trưởng Đội Điều tra thẩm định - Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc cho hay: “Sự phát triển của công nghệ hiện đại đã thay đổi mọi thứ. Các nghệ sĩ biểu diễn không còn trình diễn trực tiếp. Thay vào đó là các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, phát sóng online ngày càng phổ biến, đẩy vấn đề đi xa hơn rất nhiều”.
Lời khuyên từ Hàn Quốc
Khó khăn trong việc thu phí tác quyền ở Hàn Quốc không phải của riêng ai. Về vấn đề quản lý tập trung, ông Lim Won Son nhấn mạnh, việc thành lập các tổ chức ủy quyền để quản lý việc thu phí là rất quan trọng. Do số lượng tác phẩm, nghệ sĩ và hoạt động biểu diễn rất rộng lớn, các tổ chức ủy quyền sẽ bao quát đầy đủ hơn so với cơ quan Nhà nước. Theo đó, ở Hàn Quốc đã có tới 4 tổ chức quản lý ủy thác ra đời từ rất sớm (sớm nhất năm 1964).
Việc thành lập các tổ chức này ở Việt Nam muộn màng hơn. Cả nước mới chỉ có 2 tổ chức ủy thác là VCPMC (ra đời năm 2002) và Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ âm nhạc (APPA) ra đời năm 2016. Hơn nữa, NSND Thanh Hoa, Chủ tịch APPA cho rằng, hiện giờ các tổ chức này vẫn chưa thuyết phục được các nghệ sĩ cùng bắt tay làm việc: “Các nghệ sĩ chưa tin tưởng và chưa thấy giá trị của việc trở thành hội viên là được bảo vệ. Họ vẫn bị nhiều đơn vị khác lợi dụng ăn cắp công sức lao động. Thực chất, một số nghệ sĩ chưa có cái nhìn xa về quyền lợi của mình”.
Ngoài ra, ông Lim Won Son cũng góp ý về việc thu phí bản quyền của VCPMC theo đầu TV tại khách sạn. Theo ông Son: “Việc phát sóng tivi của các kênh truyền hình tại phòng khách sạn sẽ do bên truyền hình thu phí luôn và họ sẽ trả tiền đó cho hiệp hội để phân chia tiền bản quyền cho các nghệ sĩ có liên quan. Trong quy định chung, có quy định trả cho người biểu diễn là 6%, tác giả 10%. Đối với đơn vị kinh doanh nhạc nguồn 44%. Còn lại 40% thuộc về nhà sản xuất”.
Về phía VCPMC, đại diện là ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc khu vực miền Bắc tán thành cách xử lý của phía Hàn Quốc. “Nếu các đơn vị truyền hình cáp ký kết với chúng tôi thì quá tốt. Nó sẽ cực kì minh bạch và sạch sẽ. Trong đầu tôi đã nghĩ đến việc đó rồi, nhưng để làm được là cả một quá trình”.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Bản quyền Bùi Nguyên Hùng: “Mỗi quốc gia có đặc trưng và cách xử lý khác nhau. Các quốc gia phát triển như Hàn Quốc có chiều dài phát triển nên có cách tháo gỡ phù hợp. Với trường hợp ở Việt Nam, các CMO (các tổ chức ủy quyền tác quyền) còn chưa đủ mạnh và thiếu chuyên nghiệp trong cách thu, thậm chí chưa minh bạch trong hoạt động”.
Theo đó, ông Bùi Nguyên Hùng nhấn mạnh quyền lợi của 3 bên - chủ thể bản quyền, người sử dụng và quyền thưởng thức của công chúng. Mọi hành động thu phí đều phải thỏa mãn quyền lợi 3 bên đó. “VCPMC phải cân nhắc kỹ thiệt hơn, nếu thấy khoản thu nào không đáng thu thì thôi, đừng nên cố thu bằng mọi giá. Cục sẽ không can thiệp, song cơ quan quản lý sẽ dừng hoạt động thu tiền bản quyền của VCPMC nếu việc này vẫn gây bất ổn trong xã hội”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận