Nhận định trên được phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 23/5, khi được đề nghị bình luận về thông tin một số chuyên gia cho rằng 14 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đang gây ra nguy cơ cạn kiệt dòng chảy và làm giảm lượng trầm tích chảy đến vùng hạ nguồn, góp phần làm tình trạng hạn mặn và sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trầm trọng.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết: "Mekong là dòng sông chung xuyên biên giới và chảy qua nhiều quốc gia. Là quốc gia hạ nguồn, Việt Nam rất quan tâm đến tác động xuyên biên giới và khả năng tích nước của các công trình thủy điện trên dòng Mekong".
Khẳng định đã nhiều lần đề cập tới vấn đề này, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: "Việc phát triển và vận hành các công trình thủy điện trên sông Mekong cần bảo đảm không gây tác động tiêu cực, bao gồm tác động xuyên biên giới đến môi trường và phát triển kinh tế, đời sống xã hội của các nước trên lưu vực, nhất là những quốc gia hạ nguồn, và phải phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế.
"Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước liên quan tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực. Ủy Hội sông Mekong quốc tế có các đối tác đối thoại là các quốc gia thượng nguồn và cũng đang tích cực thúc đẩy hợp tác với các cơ chế của Mekong khác", ông Việt nói.
Sông Mekong được biết đến là con sông dài nhất chảy qua lãnh thổ của Việt Nam, có tên gọi trong tiếng Việt là sông Cửu Long.
Sông Mekong có chiều dài khoảng 4.350km, là một trong những con sông dài nhất thế giới. Sông Mekong có nguồn gốc từ vùng núi cao của tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc, và chảy qua Tây Tạng theo suốt chiều dài của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong khi toàn bộ sông Mekong chảy qua nhiều quốc gia như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận