Vận tải

Vietnam Airlines IPO trong quý III/2014

23/05/2014, 06:30

Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa ký Quyết định 1807/QĐ-BGTVT phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines).

Năm 2014, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 79.573 tỷ đồng
Năm 2014, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 79.573 tỷ đồng


Giá trị doanh nghiệp 2.744 triệu USD


Theo Quyết định 1807, giá trị doanh nghiệp theo sổ sách kế toán (sau khi thực hiện xử lý tài chính theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước) là 57.156,5 tỷ đồng (tương đương 2.744 triệu USD); trong đó giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 10.576,3 tỷ đồng (507,79 triệu USD). Giá trị doanh nghiệp theo kết quả xác định tại thời điểm 31/12/2013 bằng phương pháp khác là 57.047,89 tỷ đồng (tương đương 2.739 triệu USD); trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 23.493,98 tỷ đồng (1.128 triệu USD). Việc xác định giá trị doanh nghiệp là cơ sở quan trọng giúp Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ - Vietnam Airlines thực hiện các công việc tiếp theo để cổ phần hóa.


Trong vòng một tháng sau thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp, Vietnam Airlines sẽ phải hoàn thiện phương án cổ phần hóa trình các cấp có thẩm quyền và dự kiến sẽ được Chính phủ phê duyệt vào cuối quý II/2014. 


Theo quy định, Vietnam Airlines sẽ có 3 tháng để tổ chức bán cổ phần theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt. Dự kiến trong quý III/2014, Vietnam Airlines sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Công tác bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ diễn ra đồng thời với quá trình IPO trong nước và dự kiến tập trung triển khai trong quý IV/2014. Từ 1/1/2015, Vietnam Airlines sẽ chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.


Mục tiêu của Vietnam Airlines là hướng tới nhà đầu tư chiến lược. Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, Tổng công ty xác định phương án bán cổ phần cho các nhà đầu tư theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép Vietnam Airlines để lại toàn bộ thặng dư vốn thu được từ cổ phần hóa để tăng vốn điều lệ làm cơ sở bổ sung nguồn vốn mua máy bay.

Thành bại ở chọn nhà đầu tư chiến lược 


Cho tới thời điểm này, rào cản được xem là lớn nhất trong tiến trình cổ phần hóa của Vietnam Airlines là xác định giá trị doanh nghiệp xem như đã hoàn tất. Giờ thách thức còn lại trong lộ trình chuẩn bị IPO chính là việc tìm kiếm cổ đông chiến lược phù hợp. Theo các chuyên gia kinh tế, đối tác chiến lược của Vietnam Airlines phải đáp ứng 2 tiêu chí: Vừa mạnh về tài chính, vừa phải có kinh nghiệm và thành tích hoạt động chất lượng tốt trong lĩnh vực hàng không. Điều này nhằm đảm bảo cho Vietnam Airlines có thể hình thành Tập đoàn Hàng không với năng lực cạnh tranh mạnh trong khu vực.


Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở thời điểm không thuận lợi, nhưng với uy tín, thương hiệu của mình, Vietnam Airlines vẫn có thể thực hiện thành công việc IPO và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược.


Về thị trường, dù nền kinh tế Việt Nam hiện chỉ tăng trưởng với tốc độ khoảng 5%/năm, song nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân tăng trưởng với tốc độ hai con số (16% -18%). Trong khi đó, Vietnam Airlines đang là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong thị trường vận tải hàng không Việt Nam.


Tuy nhiên, theo phương án cổ phần hóa trước đây đã từng được Vietnam Airlines đưa ra, phần vốn Nhà nước vẫn chiếm giữ 70% - 75% sau khi cổ phần hóa nên một số ý kiến lại cho rằng, đây chính là trở ngại trong việc tìm đối tác chiến lược cho Vietnam Airlines.


Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Vietnam Airlines chỉ bán khoảng 20% - 25% cổ phần. Việc Nhà nước vẫn còn giữ quá nhiều cổ phần sẽ khó thu hút nhà đầu tư chiến lược. Bởi nhà đầu tư chiến lược đã góp vốn vào thì họ đòi hỏi phải có tiếng nói trong hội đồng quản trị. “Nếu vốn Nhà nước vẫn quyết định tất cả, bộ máy cũ không thay đổi sẽ khó thu hút nhà đầu tư chiến lược vì không ai muốn làm người góp vốn im lặng cả!” - ông Doanh nói.


Như vậy, phương án cổ phần hóa mà Vietnam Airlines sắp trình tới đây sẽ quyết định việc Tổng công ty có tìm được cổ đông chiến lược phù hợp hay không. Và việc tìm được nhà đầu tư chiến lược sẽ quyết định sự thành bại trong đợt IPO này của Vietnam Airlines.
 

Năm 2013, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất 72.555 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch và tăng 11% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 549 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2012 và vượt 40% kế hoạch, nộp ngân sách hơn 3.113 tỷ đồng.


Trong quý I/2014, Vietnam Airlines đã thực hiện gần 16 nghìn chuyến bay an toàn (2 chiều) đạt 97,4% kế hoạch quý, tăng 9,75 so với cùng kỳ. Tổng lượng khách vận chuyển lên đến trên 4 triệu lượt, tăng 13,5% so với cùng kỳ và vượt 3,7% kế hoạch quý, đạt 25,7% kế hoạch năm. Tổng doanh thu hợp nhất quý I ước đạt 19.111 tỷ đồng, đạt hơn 24% kế hoạch năm và tăng hơn 45% so với quý I/2013. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt hơn 478 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ năm trước. Tổng công ty đã nộp ngân sách 1.130 tỷ đồng, bằng 25% kế hoạch và tăng 22,5% cùng kỳ 2013.


Năm 2014, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 79.573 tỷ đồng, tăng 10% so với năm  2013. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 969 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2013.

 

Thu Phương
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.