Chiều nay, Vietnam Airlines và Công ty cho thuê tàu bay Air Lease Corporation ALC trao đổi thỏa thuận hỗ trợ dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Vietnam Airlines cho biết, hãng đạt được thỏa thuận hỗ trợ với ALC sau một thời gian dài đàm phán
Chủ tịch ALC Steven Udvar-Hazy cho biết, sau 20 năm hợp tác, Vietnam Airlines luôn thực hiện tốt các thỏa thuận ký kết; hợp tác giữa ALC và Vietnam Airlines đang là tốt nhất từ trước tới nay. Chủ tịch ALC đồng ý hỗ trợ Vietnam Airlines để cùng chia sẻ khó khăn, thiệt hại; đồng thời ông bày tỏ tin tưởng, với hỗ trợ này và sau khi Việt Nam mở cửa kinh tế; giao thương, du lịch hoạt động trở lại sẽ giúp Vietnam Airlines phục hồi, phát triển.
Theo thỏa thuận, ALC đồng ý giảm giá trực tiếp theo hợp đồng hiện tại là 420 triệu USD; đồng ý hủy các hợp đồng thuê máy bay đã ký trước đây với tổng giá trị 600 triệu USD. Như vậy ALC hỗ trợ Vietnam Airlines giảm chi phí và nghĩa vụ thanh toán với tổng số hơn 1 tỷ USD.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, hãng đạt được thỏa thuận hỗ trợ với ALC sau một thời gian dài đàm phán dưới sự chỉ đạo và theo dõi sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Thỏa thuận hỗ trợ với ALC là thành quả quan trọng của Vietnam Airlines trong nỗ lực tái cơ cấu và tự thân vượt qua đại dịch Covid-19. Kết quả đàm phán thành công với ALC sẽ góp phần giúp Vietnam Airlines tiết kiệm đáng kể các chi phí tàu bay, cân đối dòng tiền và vượt qua những khó khăn đến từ đại dịch Covid-19.
Có trụ sở tại Los Angeles (Hoa Kỳ), ALC là một trong những công ty cho thuê tàu bay lớn nhất thế giới với hơn 450 tàu bay cho thuê trên toàn cầu. ALC hiện là đối tác cho thuê tàu bay lớn nhất của Vietnam Airlines với tổng số 16 tàu bay đang khai thác thuộc các dòng tàu bay thế hệ mới nhất, gồm 12 tàu A321Neo và 4 tàu Boeing B787-10.
Từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines phải tạm ngừng toàn bộ mạng bay quốc tế thường lệ và tới nay chưa đủ điều kiện để mở lại. Tại thị trường nội địa, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến các hãng hàng không phải tạm dừng khai thác nội địa và chỉ mới được thí điểm mở lại ở quy mô hạn chế từ ngày 10/10/2021.
Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà cho hay, hãng đã lên phương án tái cơ cấu tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, với các giải pháp lớn như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới; tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.
Thông tin thêm, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho hay, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA dự báo thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi cuối 2023 với vận tải nội địa và 2024 thị trường bay quốc tế quay trở về như thời điểm 2019.
Với tình hình hiện nay, việc dư thừa tàu bay vẫn sẽ diễn ra, bao gồm cả tàu thân rộng và hẹp. Năm 2022, hãng dư khoảng 8 tàu bay thân rộng và dư 20 tàu bay A321.
"Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục tiến hành tái cơ cấu đội máy bay và đàm phán các bên cho thuê nhằm hỗ trợ chi phí và đạt được kết quả tích cực. Hãng xây dựng phương án bán máy bay nhằm mục tiêu giảm tàu bay và hiện đại hóa tàu bay thay thế tàu bay có tuổi trên 12 năm. Năm 2021, hãng bán 9 tàu bay A321 và 6 ATR 72 . Năm 2022 - 2023, hãng sẽ tiếp tục bán 12 chiếc trong đội máy bay A321", ông Hà nêu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận