Doanh nghiệp nhà nước mang tiền đầu tư chứng khoán
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định (929/2012) quy định: Chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính trước năm 2015 đối với các lĩnh vực: ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính... Thế nhưng kết quả thanh tra cho thấy các tổng công ty (TCT) trực thuộc Bộ Xây dựng chưa thực hiện đúng quy định này.
Toà nhà Tổng công ty Viglacera số 1 đại lộ Thăng Long
Theo kết luận, tại thời điểm thanh tra, Bộ Xây dựng thực hiện thoái vốn 12 TCT - công ty cổ phần (CTCP), trong đó thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 2 TCT. Các TCT còn lại, mặc dù đã thực hiện thoái vốn nhưng một số đơn vị chưa xử lý dứt điểm đối với các khoản đầu tư ngoài ngành, một số khoản đầu tư không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, khoản đầu tư có nhiều rủi ro, thua lỗ, như: VNCC (TCT Tư vấn xây dựng Việt Nam), Lilama (TCT Lắp máy Việt Nam), Fico (TCT Vật liệu xây dựng số 1). Tổng số tiền đầu tư nhiều rủi ro của cả 3 TCT này khoảng 147,7 tỷ đồng.
Trong đó, VNCC đầu tư vào CTCP Bất động sản Lilamaland 6,6 tỷ đồng. TCT Lilama đầu tư vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội hội sở chính 134,3 tỷ. TCT Fico đầu tư vào CTCP Chứng khoán Sen Vàng 6,7 tỷ.
Bộ Xây dựng làm không đúng chỉ đạo của Thủ tướng
Cũng theo kết luận thanh tra, tính đến 31/12/2019, Bộ Xây dựng và các TCT chưa hoàn thành tỷ lệ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (theo Quyết định 1232). Điển hình là 3 TCT: CC1 (Tổng công ty Xây dựng số 1), Vicem (Tổng công ty Xi măng Việt Nam) và Viglacera (Tổng công ty Viglacera) chưa thoái vốn, xử lý dứt điểm một số khoản đầu tư tại các công ty con, liên kết không hiệu quả, thua lỗ. Số lỗ luỹ kế của các công ty có vốn đầu tư của 3 TCT trên đến 31/12/2019 là âm 4,8 nghìn tỷ đồng.
Theo kết luận thanh tra, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), trong đó yêu cầu khi chưa thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC, các bộ, địa phương chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, biểu quyết không bán vốn tại các công ty con, công ty liên kết trong thời gian chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.
Giai đoạn từ tháng 1/2016-8/2017, có 7 TCT do Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước thuộc đối tượng phải giao về SCIC. Nhưng khi chưa chuyển giao theo chỉ đạo, Bộ Xây dựng đã chấp thuận chủ trương cho các TCT này chuyển nhượng vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết, trong đó có 4 TCT: Viglacera, Viwaseen, Lilama, VNCC. TPCP kết luận, việc này không đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, Bộ Xây dựng chấp thuận cho TCT Viwaseen thoái toàn bộ vốn tại Công ty Waseco (doanh nghiệp liên doanh, liên kết có vốn của Viwaseen - PV) với giá khởi điểm không thấp hơn 29.700đ/cổ phần và giá tham chiếu của mã cổ phiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin là không đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận