Đa dạng hóa sản phẩm theo các yêu cầu của thị trường
Năm 2021, VNPOLY cũng như ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đối diện khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Cán bộ công nhân viên VNPOLY liên tục bám sát thị trường, tích cực học tập nâng cao tay nghề sản xuất sợi DTY. Đã có thời điểm công ty phải giảm công suất khi thị trường ảm đạm, tiết giảm tối ưu hóa lượng nhân sự gián tiếp.
Sản phẩm sợi DTY
Đến nay, ngoài khối lao động sản xuất trực tiếp gồm công nhân, kỹ sư đứng máy, lượng cán bộ quản lý và hành chính chỉ chiếm chưa đến 10% trên tổng số lao động toàn Công ty.
Với sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự hợp tác của các chuyên gia đến từ đối tác là Tổng công ty Sinkong (Đài Loan), VNPOLY đã đa dạng hóa sản phẩm theo các yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới. Trước đây, VNPOLY chỉ sản xuất được khoảng 3 - 5 sản phẩm sợi DTY thì đến nay có thể cùng lúc sản xuất được gần 30 loại sản phẩm khác nhau theo các tiêu chuẩn của khách hàng.
Đặc biệt gần đây, VNPOLY đã đưa sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa tái chế vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các hãng thời trang hàng đầu thế giới như ADIDAS, TARGET về tiêu chuẩn sản xuất xanh.
Bên cạnh việc đảm bảo an ninh và bảo dưỡng nhà máy, VNPOLY đã nỗ lực triển khai thực hiện Hợp đồng gia công sợi DTY với Tổng công ty Shinkong (SSFC) và các đối tác trong nước; thực hiện đào tạo nhân lực sẵn sàng cho kế hoạch nâng công suất dây chuyền sản xuất sợi theo kế hoạch; xử lý quyết toán Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ và tích cực xử lý các tồn tại trong những năm qua.
Năm 2021, VNPOLY đã tích cực nâng cao sản lượng sợi DTY thông qua việc nâng dần số dây chuyền sản xuất và từ tháng 11/2021 đã vận hành toàn bộ 27/27 dây chuyền gia công sợi DTY.
Sản lượng ước thực hiện cả năm là 10.700 tấn đạt 84% so với kế hoạch. Chất lượng sản phẩm sợi tái sinh bình quân đạt 91,5% cao hơn mức thỏa thuận trong hợp đồng (85% chất lượng AA), sợi nguyên sinh đạt 92% chất lượng AA.
Doanh thu sản xuất sợi DTY cả năm 2021 ước đạt 301,5 tỷ đồng, tăng so với kế hoạch được chấp thuận là 98,8 tỷ đồng.
Do VNPOLY đã chủ động trong SXKD ngoài gia công cho đối tác, nên đã tự sản xuất kinh doanh sợi để tận dụng tối đa máy móc thiết bị tăng lợi nhuận, bù đắp một phần chi phí duy trì công ty.
Lợi nhuận trước định phí ước thực hiện cả năm 2021 là 16,58 tỷ đồng đạt 91% kế hoạch, trong đó lợi nhuận từ hoạt động SXKD sợi DTY đạt 9,13 tỷ đồng, lợi nhuận từ tự doanh là 7,45 tỷ đồng...
Quý II/2022 đưa xưởng sản xuất PSF vào hoạt động tối thiểu 50% công suất
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra chất lượng sản phẩm tại nhà máy
Năm 2021, VNPOLY đã mở rộng hợp tác sản xuất xơ PSF cho các khách hàng hiện hữu, kết quả đã ký kết lại 9/11 hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị thuộc Vinatex.
VNPOLY tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp FDI để thông tin kế hoạch sản xuất xơ PSF. Đồng thời, làm việc với SSFC nhằm hỗ trợ bán hàng trong thời gian đầu khi đi vào sản xuất. VNPOLY hiện là đại lý tại Việt Nam của một số nhà sản xuất xơ lớn trên thế giới như: Xiangly, Hengyi…
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã biểu dương và ghi nhận những nỗ lực vượt bậc trong năm qua của tập thể cán bộ công nhân viên VNPOLY.
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng cho rằng, hoạt động của VNPOLY đã thể hiện rõ tinh thần quản trị doanh nghiệp thực thụ, sẵn sàng đối mặt, giải quyết khó khăn, tồn tại trong quá khứ, giải quyết dứt điểm khó khăn, tồn tại để hoạt động SXKD của doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.
Năm 2022 được dự báo thị trường tiêu thụ các sản phẩm hỗ trợ cho ngành dệt may tiếp tục gặp nhiều khó khăn, VNPOLY tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại. Song công ty đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, tính toán kỹ việc bảo dưỡng, vận hành lại phân xưởng PSF và phân xưởng Polymer; tập trung nguồn nhân lực, đào tạo kỹ sư công nhân vận hành đủ năng lực, trình độ để sẵn sàng vận hành lại toàn bộ nhà máy…
Cùng với đó, VNPOLY triển khai nhiệm vụ như chỉ đạo của Tổng giám đốc Petrovietnam là cập nhật thông tin thị trường, tối ưu hóa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để từ đó tìm ra cơ hội có tính đột phá với phương châm quản trị biến động, nâng cao vị thế các sản phẩm trong chuỗi giá trị ngành dệt may Việt Nam.
Đặc biệt, thực hiện một số mục tiêu có tính đột phá như: quý II/2022 đưa xưởng sản xuất PSF vào hoạt động tối thiểu 50% công suất; đạt chỉ tiêu 1 triệu sản phẩm may mặc trong năm 2022; đưa công ty thoát lỗ trong 2 năm (2022 - 2023).
Có thể thấy rằng, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của VNPOLY là dự án xứng đáng nhất trong các dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án khó khăn, yếu kém của ngành Công thương trong năm 2021. Cơ hội của VNPOLY đang rộng mở khi sự hồi phục kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đang tăng nhanh khiến sức cầu đối với sản phẩm dệt may cũng tăng mạnh. Đây là thời điểm để VNPOLY đột phá cả về sản xuất cũng như giá trị thương mại trên thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận