"Chúng ta tin thì phép màu sẽ xuất hiện", vở nhạc kịch Viên đá ngũ sắc của Tổng đạo diễn, NSƯT Cao Ngọc Ánh đã mở đầu bằng một mệnh đề như thế.
Hình ảnh viên đá ngũ sắc cũng là một biểu tượng của niềm tin: Nếu ước mơ của chúng ta đủ lớn thì điều ước sẽ trở thành sự thật!
Xúc cảm thiện tâm bởi câu nói "Con sinh ra từ trái tim thơm tho của mẹ"
Hành trình Thiện Nhân ngoài đời thật cũng đã được duy trì bằng niềm tin đó. Khởi đầu từ nỗ lực cá nhân của mẹ Trần Mai Anh năm 2006, hành trình ban đầu chỉ là nỗ lực điều trị cho đứa con bé bỏng mà chị nhận nuôi, bé Thiện Nhân.
Suốt hơn một thập niên, người mẹ nhỏ bé và đứa trẻ bị bỏ lại trong vườn chuối, bị thú hoang ăn mất cơ quan sinh dục, đã cùng nhau đi một quãng đường dài qua khắp các châu lục để tìm cách mang cho con một cuộc sống trọn vẹn.
Lưu Hoàng Yến Nhi và bé Mai, Phạm Nam Phong vai Thiện Nhân
Trích đoạn nhỏ vở nhạc kịch Viên đá ngũ sắc.
Nhưng rồi khi mẹ Mai Anh và Thiện Nhân tìm thấy những tia hy vọng cho chính mình, nó cũng trở thành tia hy vọng cho nhiều đứa trẻ mang khuyết tật cơ quan sinh dục khắp cả nước.
Đó từng là những khuyết tật khó nói, không được quan tâm và hiếm khi có phương pháp điều trị. Chương trình "Thiện Nhân & Những người bạn" đã ra đời từ đó, thăm khám và phẫu thuật tái tạo cơ quan sinh dục cho hàng nghìn bạn trẻ thiệt thòi.
Viên đá ngũ sắc được dàn dựng bởi Tổng đạo diễn NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, lấy cảm hứng từ Hành trình Thiện Nhân. Trong vở nhạc kịch, nhân vật Bé Mai đã nắm chặt viên đá ngũ sắc – biểu tượng cho lòng tin vào phép màu – suốt đường đời, và từ đó, không chỉ tạo nên chuyện cổ tích riêng cho Thiện Nhân. Phép màu từ câu chuyện của Thiện Nhân đã mang lại hy vọng và thay đổi cuộc đời nhiều bạn nhỏ khác.
Chia sẻ việc xây dựng vở nhạc kịch này, đạo diễn Ngọc Ánh có phần nghẹn ngào: "Tôi đã đọc một bài báo khiến tôi rất xúc động, đó là khi Thiện Nhân hỏi: 'Mẹ ơi! Con sinh ra từ đâu?' và chị Mai Anh trả lời: 'Con sinh ra từ trái tim thơm tho của mẹ'.
Cảm xúc này rất mạnh mẽ, chữ thiện tâm vang lên trong tôi, lời giải thích giản dị nhưng mà đã cho Nhân một niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống, để con tự tin vượt qua mọi khó khăn, nuôi lớn những ước mơ đẹp đẽ.
Đối với các cái nghệ sĩ sáng tạo, họ sẽ giải phóng xúc cảm qua tác phẩm của mình, với tôi là được dàn dựng thành một phần vở nhạc kịch. Nhiều câu chuyện muốn kể với mọi người lắm! Vở nhạc kịch này là tập một, còn có thể tập hai, tập ba, tập bốn, phần tiếp.
Chúng ta tin tưởng thì những phép màu sẽ xuất hiện trong cuộc đời này. Trong cuộc đời của chúng ta luôn có những cái câu chuyện cổ tích từ những cái câu chuyện rất là thật".
Ca khúc là câu chuyện của nghệ sĩ - khán giả đều mang màu sắc tươi vui hy vọng
Chủ đề về niềm tin được lặp lại xuyên suốt vở kịch, với tất cả những nhân vật xuất hiện. Tác phẩm "Con ơi đừng sợ" - Aria của Mẹ Còi, được nhà thơ Khánh Dương và nhạc sĩ Minh Đạo được vang lên khắc khoải của Mẹ Còi khi đứng ngoài hành lang phòng mổ nhưng cũng chính là tiếng lòng của các bác sĩ và những người mẹ từ khắp thế giới.
Trong cao trào của màn 2, bác sĩ Greig (bác sĩ mổ đầu tiên của Thiện Nhân trong vở kịch, lấy cảm hứng từ người cha nuôi của bé ngoài đời) đã có lúc ngừng mổ trong tình trạng kiệt sức. Ông lùi xa giường mổ, và trong giây lát chạm vào ánh mắt Mẹ Còi đang hướng tất cả niềm tin vào bàn tay mình. Động lực vô hình khiến bác sĩ tiến lại bàn mổ, quyết tâm giành sự sống cho đứa trẻ.
Những tác phẩm như "Trái tim không biên giới", "Ước mơ xanh", "Trái tim thơm tho" kết hợp với phần âm nhạc hiện đại được ban nhạc trẻ Chicktown chơi live trong cả vở mang âm hưởng trường học như "Tự tin", "Bao giờ mẹ lấy chồng" của những nhạc sĩ trẻ và thể hiện phong cách đương đại, xen lẫn phần đọc Rap của các diễn viên nhí trong vở phần nào khái quát được quãng đời dần trưởng thành của cậu bé Thiện Nhân.
Đó là một hành trình trong trẻo nhưng cũng nhiều chông gai khi cậu bé phải vượt qua tất cả những ánh nhìn ái ngại, những lời châm chọc để lớn lên, hòa nhập và tự nuôi dưỡng niềm tin về cái thiện trong mình.
Minh Anh là một giọng nữ cao trẻ trung, cô thuộc ban nhạc Chicktown. Minh Anh cho biết nhà có 4 chị em gái, nhưng người chị cả rất đặc biệt. "Tôi đã hiểu chị mình hơn sau lần làm chung với nhạc sĩ Minh Đạo. Với những sáng tác sau này tôi luôn muốn nó trở thành món quà dành tặng chị mình. Trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã sáng tác hoàn toàn số bài hát trên. Chúng tôi sử dụng nhiều chất nhạc trẻ hiện đại, để các bạn trẻ nghe được. Những bài hát tươi vui đầy hy vọng!".
Với nhà hát Tuổi Trẻ, đây là nỗ lực tiếp theo trong việc dàn dựng những vở nhạc kịch thuần Việt - thể loại Nhạc kịch được sáng tạo, dàn dựng và biểu diễn bởi người Việt Nam với nội dung được xây dựng từ chính những câu chuyện của Việt Nam - thay vì dàn dựng và biểu diễn lại những tác phẩm "phái sinh" đã thành công của thế giới.
Trong năm 2022, nhạc kịch thuần Việt đã dàn dựng thành công vở "Sóng" được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Hòa Bình thành phố Hồ Chí Minh.
"Các diễn viên trẻ đã được chọn lọc vô cùng kỹ càng bởi yếu tố khó nhằn của loại hình sân khấu đương đại Nhạc kịch hiện nay. Họ phải hội tụ khả năng trình diễn '3 trong 1': Nhảy múa, diễn xuất và ca hát". Tổng đạo diễn Cao Ngọc Ánh chia sẻ: "Nhưng với những nỗ lực này, chúng tôi hy vọng trong tương lai không xa nhạc kịch thuần Việt có thể sẽ mang những câu chuyện của Việt Nam, biểu diễn những tác phẩm của Việt Nam lan tỏa ra cộng đồng khán giả thế giới".
Không vì câu chuyện của mình đã cũ mà dừng câu chuyện của những người mẹ khác
Với Quỹ Thiện Nhân & Những người bạn, vở nhạc kịch trở thành chương tiếp theo trong hành trình lan tỏa niềm tin vào cái thiện, vào những kỳ tích được tạo ra bằng niềm tin của con người. Một phần doanh thu của vở nhạc kịch sẽ được trích cho hoạt động của Quỹ vào tháng 11/2023 tới đây, nơi nhiều em nhỏ sẽ tiếp tục được thay đổi cuộc sống nhờ đôi tay của các vị bác sĩ giàu tình yêu.
"Câu chuyện về mẹ Mai Anh với bé Thiện Nhân nó quá lâu rồi, nhân vật quá cũ và đôi lúc mình cũng không bao giờ muốn nhắc đến. Thế nhưng, mình luôn luôn được nhắc nhớ trong đầu câu nói của Chủ tịch quỹ này, chính ông cũng là người kết nối rất nhiều các bác sĩ trên thế giới phẫu thuật cho các con tại Việt Nam: Với Mai Anh đây là câu chuyện cũ, nhưng ngày hôm nay, ngày mai, ngày mai nữa sẽ có nhiều những đứa trẻ nữa ra đời và sẽ vẫn còn có những cái đứa trẻ bị mất mát, thiếu hụt những thành phần trong cơ thể.
Và sẽ có những người mẹ vẫn tiếp tục cuộc hành trình tìm con ấy, nên Mai Anh không thể nào là vì câu chuyện của mình đã cũ mà dừng câu chuyện của những người mẹ khác. Bởi đấy là một cuộc sống mới của rất là nhiều người.
Chúng tôi hy vọng rằng mỗi khán giả đến với vở nhạc kịch, cũng có thể mang về một viên đá ngũ sắc cho riêng mình. Cuộc sống luôn cần niềm tin vào những chuyện cổ tích, và biểu tượng do Nhà hát Tuổi Trẻ xây dựng là để lan tỏa niềm tin đó". Mẹ Còi Trần Mai Anh, người sáng lập và điều hành Chương trình "Thiện Nhân & Những người bạn" chia sẻ về vở kịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận