Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng giám đốc VSL Việt Nam Trần Đức Lân cho biết, VSL Việt Nam là lthành viên của tập đoàn đa quốc gia Bouygues Construction Group.
VSL Việt Nam gia nhập thị trường vào năm 1994, giữa lúc Việt Nam đang bước những bước đầu tiên xây dựng nền kinh tế thị trường.
Doanh nghiệp từng được Bộ Giao thông vận tải lựa chọn là nhà thầu chuyển giao công nghệ cho cầu Phú Lương - cầu bê tông dự ứng lực đúc hẫng đầu tiên tại Việt Nam.
Việc chuyển giao công nghệ từ VSL cho phía Việt Nam đã đạt kết quả vượt mong đợi. Các vấn đề kỹ thuật, công nghệ cần nắm bắt và làm chủ để có thể thiết kế và thi công đúc hẫng cầu bê tông DUL đảm bảo chất lượng, kiểm soát các thông số hình học… đã được chuyên gia VSL chỉ dẫn cặn kẽ, chi tiết.
Từ năm 1994 đến 2001, VSL đã tham gia nhiều dự án xây dựng nhà máy xi măng, các dự án nhà có kết cấu dầm và sàn phẳng DUL đầu tiên tại thành TP.HCM và Hà Nội, giúp tăng không gian sử dụng và tiết kiệm chiều cao các tòa nhà trong thành phố.
Theo ông Lân, nếu gọi những năm 1994-2001 là mở đường, thì 2001-2010 là giai đoạn tăng tốc với hàng loạt các dự án cầu lớn mà VSL được tham gia như cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, sửa hầm đường sắt Hải vân, cầu Cần Thơ, đúc các đốt hầm Thủ Thiêm... Đặc biệt trong đó có việc chuyển giao thành công công nghệ thi công cầu dây văng cầu Rạch Miễu 1.
Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức khi đó chủ trì họp giao ban hàng tháng tại công trường cùng lãnh đạo 2 tỉnh Bến tre và Tiền Giang đã đánh giá tại sự án này, VSL không chỉ được coi là đối tác mà là một thành viên của ngành giao thông vận tải Việt Nam.
Từ 2011 đến nay là thời kì bùng nổ với hàng loạt dự án giao thông lớn trên khắp mọi miền Việt Nam.
VSL đã tham gia nhiều dự án lớn như cầu Trần Thị Lý, cầu Nhật tân, cầu vượt Ngã 3 Huế, cầu Nhật Lệ 2, cầu Bạch Đằng, Metro Bến Thành – Suối Tiên, cùng hàng trăm dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại, tường chắn đất và neo đất… Các dự án đã góp phần "thay da, đổi thịt" bộ mặt đô thị và phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam.
Ông Lân khẳng định, mong ước của ông là nguồn lực có chất lượng sau đào tạo và tích lũy kinh nghiệm thực tế trên các công trường sẽ giúp VSL Việt Nam trở thành một vệ tinh cho trung tâm kỹ thuật tại Châu Á, một trung tâm thiết bị của khu vực trong vài năm tới.
Lãnh đạo VSL Việt Nam thông tin, năm 2024, doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiều dự án cầu dây văng, sân bay, các dự án nhà máy với các yêu cầu áp dụng kỹ thuật thiết kế và thi công phức tạp, đòi hỏi chất lượng cao, an toàn và rút ngắn tiến độ.
"Đây là năm để VSL bứt phá, tăng tốc, tiếp tục phát huy những thế mạnh của mình trở thành đối tác tin cậy của các chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu… gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai", ông Lân nhấn mạnh.
Ghi nhận công sức lớn của VSL Việt Nam và những người đã đồng hành cùng ngành giao thông trong giai đoạn khó khăn, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức khẳng định, sự thành công của doanh nghiệp đã góp phần thành công trong bước trưởng thành của đội ngũ kỹ sư ngành giao thông vận tải.
VSL là viết tắt của Vorspann System Losinger - hệ thống dự ứng lực đầu tiên được cấp bằng sáng chế ở Thụy Sĩ vào đầu những năm 1950.
VSL chuyên hoạt động trong 4 lĩnh vực gồm: Công nghệ dự ứng lực và công nghệ dây văng, xây dựng hạ tầng giao thông, kỹ thuật nền móng, sửa chữa và gia cường kết cấu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận