Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã rà soát, vừa có báo cáo vụ cấp sổ đỏ cho người dân trong diện tích đất vườn quốc gia.
Phương án khắc phục cũng được đơn vị này đưa ra với kinh phí dự kiến 108 tỷ đồng để bồi thường, di dời.
Một tổ chức được cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh giao làm cơ sở chế biến sứa trong ranh giới được giao cho Vườn Quốc gia Bái Tử Long quản lý
Cấp, cho thuê đất trong rừng đặc dụng
Trước đó, ngày 24/11/2020 và ngày 3/6/2021, Báo Giao thông đã đăng bài “Lạ lùng huyện cấp sổ đỏ lấn Vườn Quốc gia (VQG) Bái Tử Long” và “Cấp sổ đỏ lấn VQG Bái Tử Long: Tranh cãi chưa hồi kết”.
Nội dung các bài báo phản ánh dù nằm trong quy hoạch của VQG Bái Tử Long nhưng cả chục ha đất vẫn được chính quyền huyện Vân Đồn cấp sổ đỏ cho người dân.
Hậu quả của việc làm này đã khiến tình trạng mua, bán đất ở, đất rừng trong ranh giới do VQG Bái Tử Long quản lý phức tạp.
Theo báo cáo của BQL VQG Bái Tử Long, ngày 1/6/2001, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập VQG Bái Tử Long với diện tích 15.783ha, trong đó phần đảo nổi là 6.125ha và 9.658ha mặt nước biển.
Theo quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, VQG Bái Tử Long được quy hoạch chuyển tiếp còn 15.283ha (giảm 500ha).
Trên cơ sở đó, ngày 11/9/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững VQG Bái Tử Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo đó, vườn có tổng diện tích 15.283ha gồm 5.702,26ha diện tích các đảo nổi, còn lại là diện tích mặt biển.
Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Vân Đồn đã để xảy ra tình trạng cho thuê đất, cấp đất trong vùng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về VQG Bái Tử Long.
Theo báo cáo cuối tháng 1/2022 của BQL VQG Bái Tử Long, khu vực Ổ Lợn tại xã Minh Châu (thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt), ngày 24/2/2009, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định cho Công ty TNHH Quan Minh thuê 4.479,7m2 trong thời hạn 10 năm để xây dựng xưởng chế biến sứa.
Hiện nay, phần diện tích này đã hết thời hạn thuê nhưng doanh nghiệp thuê đất không phối hợp rà soát dù đã nhiều lần được mời đến làm việc.
Cũng trên diện tích đất rừng đặc dụng, năm 2020 UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận địa điểm nghiên cứu, UBND huyện Vân Đồn phê duyệt chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho một đơn vị xây dựng công trình trên tổng diện tích 1.643m2. Thực tế, tại đây đã xây dựng công trình 2 tầng trên với tổng diện tích khoảng trên 540m2.
Cùng với đó, sau thời điểm được Thủ tướng quyết định thành lập VQG Bái Tử Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp hàng trăm ha đất cho các tập thể, đơn vị để triển khai các dự án.
Điển hình là năm 2019, Sở NN&PTNT đã được UBND tỉnh Quảng Ninh giao 73.482,7m2 không thu tiền sử dụng đất tại đảo Lỗ Ố, xã Vạn Yên, thuộc diện tích VQG Bái Tử Long để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nhuyễn thể tập trung. Hiện, nhiều công trình đã được xây dựng trên phần diện tích này.
Cũng theo báo cáo của VQG Bái Tử Long, việc quản lý, cấp mới, cấp đổi giấy đất ở, đất rừng sau thời điểm Thủ tướng ký quyết định quy hoạch vườn cũng diễn ra khá phức tạp.
Điển hình, tại xã Minh Châu, đến thời điểm đầu năm 2022, trong số 40 trường hợp được xác lập quyền sử dụng đất thì có 2 trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau thời điểm thành lập Vườn với diện tích khoảng 5.051,7m2.
Việc cấp đất cho các cá nhân trong quy hoạch VQG Bái Tử Long đã tạo ra việc mua, bán, chuyển nhượng trái quy định của pháp luật, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của đơn vị.
Cần hơn trăm tỷ để khắc phục
Cán bộ Vườn Quốc gia Bái Tử Long kiểm tra, khảo sát thực trạng quản lý trong ranh giới được giao quản lý
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Ban Quản lý VQG Bái Tử Long cho biết: Theo nguyên tắc, khi đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập VQG, các cơ quan chức năng của tỉnh phải tiến hành kiểm đếm, đền bù, thực hiện chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho các tập thể, cá nhân được giao đất trước đó.
Tuy nhiên chính quyền huyện Vân Đồn, Quảng Ninh đã không thực hiện các phần việc này mà tiếp tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc mua bán, sang nhượng ngày càng phức tạp.
“Trước thực trạng này, VQG Bái Tử Long đã khái toán công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các tập thể, cá nhân trên 108 tỷ đồng để trình UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, giải quyết...”, vị đại diện BQL cho hay.
Trong khi đó, ông Đặng Tiến Sỹ, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Vân Đồn cho biết, tính đến thời điểm ngày 13/11/2020, toàn huyện có 144 hộ đang quản lý, sử dụng đất trong ranh giới quy hoạch của VQG Bái Tử Long.
Trong đó, có 36 hộ được UBND huyện Vân Đồn có quyết định giao rừng từ giai đoạn 1992-1999 (trước thời điểm Thủ tướng phê duyệt quy hoạch VQG Bái Tử Long) và quản lý, sử dụng ổn định.
Diện tích chồng lấn của 36 hộ này với ranh giới quy hoạch của vườn là 1.092ha.
“Việc cấp, giao đất trước thời điểm thành lập VQG Bái Tử Long là vấn đề lịch sử. Trên cơ sở kết quả rà soát của cơ quan chức năng, tới đây, UBND huyện Vân Đồn sẽ phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh các giải pháp hiệu quả phù hợp để giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để thiết thực quản lý, bảo tồn, phát huy tốt nhất giá trị của VQG Bái Tử Long”, vị này nói.
Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định Thủ tướng Chính phủ được quyết định chuyển loại rừng đối với những khu rừng do Thủ tướng thành lập. Vì VQG Bái Tử Long là rừng đặc dụng do Thủ tướng thành lập, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân vào quy hoạch phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng là không đúng với quy định của pháp luật, không đúng với thẩm quyền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận