Vụ cháy quán Karaoke: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” |
Sau vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết, chính quyền Hà Nội ngay lập tức siết chặt hoạt động kinh doanh karaoke, rà soát, kiểm tra chặt chẽ các tiêu chuẩn.
Đây là động thái tích cực đáng ghi nhận, tuy nhiên, tiếc rằng nó vẫn cho thấy câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”.
Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy quán karaoke xảy ra gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản, nhưng sau mỗi sự cố thì lại phát hiện cơ sở karaoke không đảm bảo điều kiện hoạt động. Vậy thì tại sao nó vẫn ngang nhiên hoạt động? Câu trả lời chỉ có thể do chúng ta buông lỏng quản lý, cấp phép quá dễ dãi, quản lý quá hời hợt.
Kinh doanh hoạt động karaoke là một dịch vụ giải trí khá “nổi”, khác với một số loại hình kinh doanh khác bởi hoạt động kinh doanh karaoke ồn ào cả ngày lẫn đêm và rất dễ nhận biết. Việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở này hoàn toàn nằm trong tay chính quyền địa phương, nhưng đối chiếu với vụ cháy vừa qua thì có thể thấy, hoạt động của quán này đã nằm ngoài tầm kiểm soát.
Bây giờ, nếu nói truy cứu trách nhiệm thì có rất nhiều thứ để nói, trước hết trách nhiệm của người đứng đầu vì liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành. Rồi sau đó đến trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành như cơ quan văn hóa, PCCC, quản lý trật tự hành chính... Nhưng quan trọng hơn cả là trách nhiệm của chính quyền phường, quận nơi có quán karaoke xảy ra cháy, bởi chính quyền đáng ra phải sâu sát trong việc quản lý nhất thì lại buông lỏng gây hậu quả.
Chúng ta cần xem lại vi phạm ở khía cạnh nào, buông lỏng, thiếu trách nhiệm ở khía cạnh nào thì xử lý thật nghiêm khía cạnh ấy, tránh tình trạng như tòa nhà 8B Lê Trực vừa rồi. Nhiều ĐBQH nói rằng nhà giữa trung tâm thủ đô, ngay sát UBND phường, quận nhưng trách nhiệm của họ lại không tương xứng. Lần này, Hà Nội phải quyết liệt trong xử lý vi phạm để làm gương.
Chúng ta có rất nhiều tầng nấc, bộ phận, các ngành tham gia quản lý mà để xảy ra câu chuyện gây hậu quả đáng tiếc đó thì quả thực rất đáng suy ngẫm. Công tác kiểm tra sau khi hậu quả đã xảy ra, dù chậm nhưng cũng là biện pháp cần thiết, dù chậm nhưng vẫn tốt hơn không làm.
Lưu Bình Nhưỡng (Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận