Pháp luật

Vụ Eximbank làm bốc hơi 264 tỷ: Ai trả tiền cho khách hàng?

23/11/2018, 15:12

Quản trị có lỗ hổng, dẫn đến mất khả năng kiểm soát nên đề nghị Eximbank trả tiền cho khách hàng.

Chu thi binh 1

Khách hàng Chu Thị Bình (áo hồng) có mặt tại tòa với tư cách là người có quyền lợi  trong vụ án 

Sáng 23/11, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm 6 bị cáo nguyên là cán bộ Eximbank chi nhánh TP.HCM về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Eximbank hơn 264 tỉ đồng". 

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, khách hàng liên quan đến vụ án đều là khách hàng VIP của ngân hàng nên khi thực hiện giao dịch, các bị cáo thường bỏ qua nhiều trình tự, thủ tục theo quy định nhằm làm hài lòng khách hàng. Nhưng hành vi này là vì nghe và tin tưởng cấp trên (ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM hiện đã bỏ trốn và bị truy nã quốc tế). 

"Anh Hưng nói đây là khách hàng ViP nên cứ làm đi. Bị cáo cũng từng gọi điện cho khách hàng là bà Chu Thị Bình nhưng sau đó bị anh Hưng nhắc nhở "không được trực tiếp gọi cho khách hàng”. Kể từ đó, bị cáo không gọi nữa. Bị cáo đã biết mình sai, nhưng bị cáo không có động cơ, vụ lợi.. mong HĐXX xem xét", bị cáo Nguyễn Thị Thi nói. 

Theo Viện KSND, qua xét hỏi công khai tại phiên tòa đủ cơ sở nhận định 6 bị cáo Hồ Ngọc Thủy (32 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (34 tuổi), Trần Nguyễn Xuân Lan, Nguyễn Thị Thi (40 tuổi) Cao Lan Phương (38 tuổi), Lương Quốc Anh (32 tuổi) là nhân viên Eximbank TP.HCM đã thực hiện không đúng các quy định của Eximbank về trình tự thủ tục lập giấy ủy quyền, giải quyết rút tiền và chi quỹ tiền mặt.

Theo Viện KSND TP.HCM, 6 bị cáo đã tạo điều kiện cho Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đang bị truy nã quốc tế, hiện đang bỏ trốn chiếm đoạt hơn 264 tỉ đồng của 3 khách hàng Chu Thị Bình, Phùng Thị Phẩm, Lê Thị Minh Quí do Eximbank đang quản lý, gây thiệt hại và mất uy tín cho Eximbank nên cần phải có hình phạt nghiêm để có tính răn đe chung. Từ đó, Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên Hồ Ngọc Thủy từ 5 -  6 năm tù. 5 bị cáo còn lại, Viện KSND đề nghị mức án từ 2 - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. 

Lỗ hổng trong quản trị là nguyên nhân gây ra vụ án

Trước đề nghị của VKS, Luật sư đại diện cho ngân hàng Eximbank cho rằng trong vụ án này Eximbank cũng là người bị thiệt hại, là người có quyền lợi liên quan. Vụ án cũng đã làm rõ thủ đoạn này là trách nhiệm là bị cáo Lê Nguyễn Hưng… Nên mong HĐXX xem xét lại đề nghị của VKS về việc Eximbank phải chịu trách nhiệm thiệt hại này. 

Bảo vệ quyền lợi cho khách hàng Chu Thị Bình, LS Phan Trung Hoài phân tích: Trong vụ án này cần xem xét, giải quyết vấn đề và quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền trên hai phương diện: Mối quan hệ giữa người gửi tiết kiệm với Eximbank HCM và vấn đề quản trị, phòng ngừa rủi ro trong nội bộ NH liên quan trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn đã có hành vi vi phạm pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền của Khách hàng gửi tiền tại Eximbank HCM.

Thứ nhất, xét trên mối quan hệ giữa người gửi tiết kiệm là khách hàng với NH: Trên góc độ này, việc bà Chu Thị Bình mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank HCM là có thật, hợp lệ và hợp pháp, là quan hệ giao dịch dân sự được pháp luật bảo vệ. Số tiền này đã được gửi chủ yếu xuất phát từ tài khoản cá nhân của bà Bình và đã được Eximbank HCM theo dõi, hạch toán đầy đủ trong hệ thống sổ sách kế toán của Eximbank HCM.

Do đó, theo quy định tại Điều 161 khoản 1 Bộ luật dân sự 2015, sau khi nhận tiền gửi, Eximbank HCM sẽ trở thành chủ sở hữu của số tiền đó và phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng cũng như mất mát, rủi ro của số tiền. Mặt khác, pháp luật cũng quy định rõ Eximbank phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng và có trách nhiệm tất toán thẻ tiết kiệm theo yêu cầu của Khách hàng vì nội dung và hình thức của các Giấy ủy quyền này là giả mạo, không có thật, vi phạm quy định của pháp luật và chính quy chế nội bộ của Eximbank. Cho đến thời điểm hiện nay, cả 3 thẻ tiết kiệm nói trên đều là bản gốc hiện do bà Chu Thị Bình nắm giữ.

Thứ hai, xét trong phạm vi vấn đề quản trị, phòng ngừa rủi ro trong nội bộ ngân. Kết quả điều tra vụ án và kết quả thẩm tra, đánh giá chứng cứ và kết luận của VKSND TP.HCM tại phiên tòa đã làm rõ những bất cập, yếu kém trong kiểm soát rủi ro và hệ thống quản lý của NH Eximbank chi nhánh TP.HCM. Sự tha hóa biến chất của chính một bộ phận cán bộ có chức vụ, quyền hạn của Eximbank HCM trong thời gian xảy ra vụ án.

Họ đã cố ý bỏ qua quy trình, thủ tục ủy quyền, rút tiền đã được pháp luật và Quy chế của chính Hội đồng quản trị Eximbank quy định. Hơn nữa, thực tế do việc nhân viên ngân hàng nhận thức được các quy chế của Eximbank, nhưng vì tin tưởng vào Lê Nguyễn Hưng là Phó Giám đốc Eximbank HCM nên đã thiếu trách nhiệm, không tuân thủ các quy định nêu trên.

“Do vậy, Eximbank TP.HCM phải chịu trách nhiệm vì để mất tiền do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lê Nguyễn Hưng và hành vi thiếu trách nhiệm của các nhân viên Eximbank, cùng với sự yếu kém trong quản lý, kiểm soát tiền gửi của khách hàng. Vì đây chính là sự bộc lộ lỗ hổng về quản trị, dẫn đến tình trạng mất khả năng kiểm soát của Eximbank HCM vào thời điểm xảy ra vụ án”, luật sư Hoài nói.

Phiên tòa sẽ tuyên án vào cuối giờ ngày 23/11.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.