Pháp luật

Vụ lật công nông: Thấy người bị nạn không cứu, tù đến 5 năm

07/07/2017, 16:21

Thấy người khác nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp có thể bị phạt tù đến 5 năm.

IMG_4936

Hiện trường vụ lật xe công nông làm 1 người tử vong ở Chương Mỹ.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, khoảng 9h sáng ngày 6/7 trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Thuỷ Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội xảy ra một vụ lật công nông làm 1 người tử vong.

Nạn nhân tử vong được xác định là anh Bùi Hữu Hà (SN 1978, ở xã Thuỷ Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ).

Một số nhân chứng cho hay, do bị CSGT truy đổi ngoài đường Hồ Chí Minh nên tài xế công nông hoảng sợ, cho xe rẽ vào đường bê tông Xuân Linh. Khi tài xế công nông quẹo vào ngõ thì lật xe, xe đè lên người làm nạn nhân tử vong.

Điều đáng nói là ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip ghi lại hình ảnh về diễn biến và thời điểm xảy ra tai nạn. Theo nội dung trong clip, ngay khi chiếc xe công nông bị lật, một chiếc xe giống như xe chuyên dụng của CSGT lướt qua. Thấy chiếc công nông gặp nạn, người dân cạnh đó chạy túa ra yêu cầu chiếc xe dừng lại.

Tuy nhiên, chiếc xe chuyên dụng chỉ đi chậm lại trong giây lát rồi phóng vút đi.

Một lãnh Đội CSGT số 12 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho rằng, hiện chưa thể xác định nguyên nhân CSGT có truy đuổi hay không, vì cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã vào cuộc ngay từ ban đầu. Về nguyên nhân, việc ai đúng ai sai thì phải chờ kết luật chính thức từ cơ quan điều tra.

Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Hoàng Kim Thoa, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV QTC, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.

Mặt khác, tại khoản 3 Điều 5 Thông tư Số: 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT quy định: Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ hoặc đi bộ tuần tra, kiểm soát trong phạm vi địa bàn được phân công, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Khi phát hiện có hành vi vi phạm, cán bộ tuần tra, kiểm soát được phân công nhiệm vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản. Trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì Tổ trưởng Tổ tuần tra, kiểm soát phải quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT mà chủ phương tiện không chấp hành, bỏ chạy thì đây được coi là hành vi chống người thi hành công vụ. CSGT có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi này, trong đó có quyền bắt giữ người có hành vi chống đối.

Còn về trách nhiệm của CSGT đang làm nhiệm vụ, tùy theo mức độ của hành vi và tình huống của CSGT có hành vi dẫn tới thương tích hoặc chết người thì có thể bị xử lý kỷ luật (đình chỉ công tác, hạ cấp bậc…), phải bồi thường thiệt hại và thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS), hoặc Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 97 BLHS).

Mặt khác, theo Điều 102 Bộ luật hình sự, quy định Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Như vậy, khi đủ căn cứ theo quy định trên, hành vi không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù, có thể bị câm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Tuy nhiên, trường hợp cụ thể này còn tùy thuộc vào kết luận của  cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Điều 97. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ:

1. Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội làm chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.