img

Từ lâu, ông Sáu Quý được mệnh danh là "vua" cầu treo khi đã sáng tạo, làm hàng trăm cây cầu treo ở nhiều tỉnh miền Tây. Gần đây, ông được biết đến nhiều hơn khi chế tạo chiếc "thủy phi cơ" được coi là "có một không hai".

“Vua” cầu treo miền Tây chế thủy phi cơ độc lạ - Ảnh 1.

Đến huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, không khó để hỏi thăm nhà ông Phạm Ngọc Quý (Sáu Quý, 61 tuổi, ngụ xã Đào Hữu Cảnh). Khi chúng tôi đến, ông đang mày mò sửa lại một chi tiết ở đuôi tàu.

"Từ lúc hoàn thành đến giờ, tàu chỉ chạy thử nghiệm quanh nơi ở, chưa thể đi xa, do chưa đăng ký với cơ quan chức năng theo quy định", ông Quý nói rồi mỉm cười.

Ông Sáu Quý kể bản thân ông và các cộng sự phải di chuyển bằng xe máy đi khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long để làm cầu treo nên rất cần phương tiện di chuyển nhanh, an toàn.

Năm 2000, ông được ra Hà Nội dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc và đi máy bay của hãng Vietnam Airlines.

“Vua” cầu treo miền Tây chế thủy phi cơ độc lạ - Ảnh 2.

"Từ khi ngồi trên máy bay, tôi đã ấp ủ ý tưởng thiết kế chiếc tàu cao tốc có hình thù như máy bay để di chuyển trên sông cho anh em đi xây cầu hoặc phục vụ du lịch cũng được", ông Sáu Quý nói.

Ông kể lúc còn trẻ đã sáng tạo đủ thứ, từ thiết kế đến trực tiếp xây dựng nhà máy xay lúa, cầu treo nông thôn, sà lan, nhà cửa…

Đến hơn 50 tuổi, ông mới có đủ điều kiện thực hiện thiết kế tàu tốc hành có hình dáng giống máy bay. Từng chi tiết trên tàu đều do ông nghiên cứu, vẽ bản vẽ bằng tay trước khi chế tạo.

"Lần đầu làm gặp nhiều khó khăn nhưng do cố gắng mày mò nên cũng tạm thành công. Nếu có tiền thì chắc 6 tháng là xong, nhưng nửa chừng thì hết vốn. Do đó tôi phải đi làm mướn mới có vốn để tiếp tục.

Tính đến tháng 2/2023, gần một năm sau tôi mới hoàn thành được chiếc thủy phi cơ này, tốn khoảng 250 triệu đồng. Riêng phần máy và hộp số khoảng 130 triệu đồng", ông Quý bộc bạch.

“Vua” cầu treo miền Tây chế thủy phi cơ độc lạ - Ảnh 3.

Điểm đặc biệt của chiếc tàu là hầu hết nguyên, vật liệu đều đã qua sử dụng, được ông Quý gom chỗ này một ít, chỗ kia một ít.

Chiếc tàu dài 11 m, rộng 1,6 m bằng chất liệu sắt và composite phủ màu xanh bắt mắt, có 15 ghế ngồi. Bề ngoài được ông thiết kế y hệt chiếc máy bay thu nhỏ, chỉ có điều không lắp hai cánh trước - dễ gây cản trở khi đi lại trên sông rạch.

Hệ thống thông gió, đèn chiếu sáng lắp dọc theo tàu, đảm bảo bên trong luôn thông thoáng, đủ ánh sáng. Tàu chạy bằng dầu, có thể đạt tốc độ 55 km/h. Bình quân, 1 km di chuyển sẽ hao tốn 0,5 lít dầu.

Rất nhiều chi tiết trên con tàu do ông tham khảo từ mô hình máy bay. Phía trước mũi "thủy phi cơ" này được lắp đặt hai kính chiếu hậu để quan sát phía sau.

“Vua” cầu treo miền Tây chế thủy phi cơ độc lạ - Ảnh 4.

Ông Dương Thanh Phong, một người dân địa phương, cho biết "chiếc thủy phi cơ" của ông Sáu Quý rất độc, lạ, nhưng khó hoạt động vì khu vực này kênh rạch nhỏ. "Phương tiện thủy này lớn, chỉ phù hợp hoạt động ở sông Hậu hoặc sông Cái", ông Phong nói.

Trong khi đó, một cán bộ Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh An Giang cho rằng nhìn sơ bộ, "chiếc thủy phi cơ" của ông Sáu Quý chưa có gì đặc biệt. "Nhưng quan trọng nhất là ông đã biết thiết kế, trang trí độc, lạ như hình thù máy bay. Nếu tham gia hội thi kỹ thuật sáng tạo nào đó, mô hình này sẽ rất nổi bật".

Một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết chưa nhận được hồ sơ đăng ký của ông Sáu. "Nếu vận hành hoạt động phục vụ du lịch, thủ tục cũng khá phức tạp, phải thông qua ngành du văn hóa, dụ lịch…"

“Vua” cầu treo miền Tây chế thủy phi cơ độc lạ - Ảnh 5.

Theo lãnh đạo UBND huyện Châu Phú, ông Sáu Quý được mệnh danh là "vua cầu treo" nhiều năm nay. Không có bằng cấp nhưng ông đã mày mò làm cầu, đường rất sáng tạo và đóng góp tích cực cho địa phương.

Nhiều người dân nơi đây kể dù học vấn không cao, nhưng ông Sáu Quý lại rất khéo tay, sáng dạ. Năm 1995, xã nạo vét kênh nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên cây cầu ván trước nhà bị dỡ để xáng cạp vào múc đất, biến lúa mùa nổi thành lúa hai vụ. Nhưng khi mở rộng con kênh xong thì cầu gỗ cũ bị hỏng, không bắc lại được nữa.

Một đêm tình cờ xem tivi, thấy có những cây cầu treo bắc ngang sông, ông Quý mừng rỡ reo lên.  Năm đó 32 tuổi, ông Sáu Quý góp tiền rồi đi vận động kinh phí trong ấp để làm thử cây cầu treo đầu tiên, tổng cộng được 3,2 triệu đồng. Thế rồi ông cùng một số người trong ấp bắt tay vào làm chiếc cầu treo đầu tiên ở An Giang.

Ròng rã mấy tháng, khi cây cầu treo bằng gỗ gáo và bạch đàn có bề mặt rộng 1,2 m, dài gần 30 m ở Thạnh Mỹ Tây làm xong, ông vừa mừng vừa lo. "Khi bước lên cầu, tôi cảm nhận được nhịp chân của mình đã làm cầu rung rinh khẽ, vừa hồi hộp xen chút lo lắng. Tôi không dám tin đó là mô hình cầu treo có thể nhân rộng sau này", ông Quý kể lại. 

Chính quyền, người dân địa phương đến xem thì thấy vừa đẹp, vừa chắc chắn so với các cây cầu thời đó. Được động viên, ông có chút tự tin và tiếp tục làm các cây cầu treo thay cho cầu khỉ ở địa phương.

Ông Sáu Quý bên công trình cầu treo trên tuyến kênh Mướp Văn (Thoại Sơn, An Giang)

Ông Sáu Quý bên công trình cầu treo trên tuyến kênh Mướp Văn ở Thoại Sơn, An Giang.

Thấy các cây cầu treo được ông Sáu Quý làm ngày càng đẹp, giá thành rẻ, nhiều năm sử dụng vẫn còn tốt nên các địa phương ở An Giang đến đặt hàng cùng lúc hàng chục cây cầu. Dần dần, nhiều tỉnh lân cận như Kiên Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Ðồng Nai, Bến Tre cũng đến đặt hàng. 

Đầu tháng 2/2009, khi vừa hoàn thành công trình cầu treo dây văng Phú Vĩnh, ông Quý được Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cấp "Chứng nhận điển hình sáng tạo Việt Nam" về thành tích xây dựng cầu treo cho nông thôn đồng bằng sông Cửu Long.

Vợ chồng ông Sáu Quý có 4 con trai. Người con cả hơn 40 tuổi, chỉ học hết lớp 5 nhưng có nhiều kinh nghiệm, có thể chỉ huy làm cầu từ hơn 10 năm trước.

“Vua” cầu treo miền Tây chế thủy phi cơ độc lạ - Ảnh 7.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.