Sau thành công của Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I vào năm 2019, tỉnh Đắk Nông vừa công bố tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần II, sẽ diễn ra từ ngày 24/11-29/11/2020 tại thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) và tại một số điểm danh lam thắng cảnh, du lịch, điểm di sản văn hóa trên địa bàn các huyện, thành phố.
Chia sẻ trong buổi họp báo ngày 10/11, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, việc tổ chức lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Đắk Nông với những cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa truyền thống phong phú, cũng như tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch đặc biệt gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đồng thời, còn bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam, tạo không gian giao lưu văn hóa các dân tộc, các vùng, miền trong cả nước.
Lễ hội năm nay có chủ đề “Lễ hội văn hóa và du lịch - Tinh hoa Phương Đông”, được tổ chức với quy mô toàn quốc. Ngoài các đoàn trong nước còn có các đoàn nghệ nhân, diễn viên các nước như Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trong chuỗi hoạt động có lồng ghép một số sự kiện bán kết và chung kết Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020, lễ hội ánh sáng và khinh khí cầu… Đáng chú ý, đêm khai mạc lễ hội có lồng ghép Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Được biết với sự kiện đón nhận danh hiệu này, Đắk Nông đang và sẽ khai thác các giá trị đặc thù về địa chất, địa mạo, văn hóa truyền thống đặc trưng của 40 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Tỉnh đã xác định 44 điểm đến, hình thành 3 tuyến du lịch với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu” và 3 tuyến du lịch là “Trường ca của Lửa và Nước”, “Bản giao hưởng của Làn gió mới” và “Âm vang từ Trái đất”, trải dài trên 6 huyện, thành phố.
Bà Hạnh cũng cho biết thêm, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có nhiều điểm khác biệt so với các công viên địa chất khác trên thế giới và ở Việt Nam.
“Hệ thống các hang động vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ. Những giá trị độc đáo của địa chất, địa mạo gắn với việc hình thành hệ thống hang động (trên 100 hang), mỏ đá saphia, mỏ quặng alumin, wolfram… được hình thành với sự phun trào của núi lửa cách ngày nay 3,5 triệu năm là những đặc điểm riêng biệt của hệ thống công viên địa chất này”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho hay.
Bài toán phát triển du lịch còn là câu chuyện về những sản phẩm du lịch bên cạnh gắn du lịch với thiên nhiên. Cụ thể, các sản phẩm du lịch hướng đến các hoạt động trải nghiệm của khách về những nét văn hóa độc đáo, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, hát Sử thi Ót N’drong, dân ca Nau M’pring, xem các nghệ nhân trình diễn đàn đá, dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống…
Công viên địa chất Đắk Nông được thành lập năm 2015, có diện tích hơn 4.700km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Nông, trải dài 6/8 huyện, thị của tỉnh. Công viên này có 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, gồm nhiều hang động với tổng chiều dài hơn 10 nghìn mét, các miệng núi lửa, thác nước... Công viên còn được biết đến là vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, lưu trữ nhiều giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, có những nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên và đặc biệt là dấu tích hoạt động của người tiền sử...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận