Nền kinh tế của Đức - từng được mệnh danh là động lực tăng trưởng chính của châu Âu hiện lại được dự đoán sắp phải đối mặt với một đợt suy thoái mới khi lĩnh vực sản xuất vô cùng quan trọng của nước này tiếp tục suy yếu.
Wall Street Journal (WSJ) cho biết, dữ liệu gần đây chỉ ra, sản lượng công nghiệp của Đức sau khi chứng kiến giai đoạn trì trệ vào cuối năm ngoái sẽ có thể giảm trong quý này do các nhà máy của nước này phải đối mặt với chi phí năng lượng cao hơn, thị trường toàn cầu kém thân thiện hơn và sự cạnh tranh lớn từ Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng.
Đức bị ảnh hưởng nặng nề từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine do giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Sự phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng đã khiến nước này dễ bị tổn thương trước sự suy giảm nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu.
Các nhà sản xuất Đức cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối tác Trung Quốc trong các ngành mà trước đây Đức từng thống trị, bao gồm cả lĩnh vực ô tô - một trong những lĩnh vực hàng đầu của Đức.
Một mình trải qua suy thoái trong năm 2023
CNBC cho biết, nền kinh tế Đức chỉ tăng trưởng trong 1 quý trên tổng số 5 quý vừa qua và giảm 0,3% trong 3 tháng tính đến tháng 6 so với quý đầu tiên của năm 2022. Các nền kinh tế lớn khác thuộc khu vực Liên minh châu Âu (EU) đã có chỉ số hơn nhiều. Pháp ghi nhận mức tăng trưởng 1,4%, Ý tăng trưởng 1,7% và Tây Ban Nha tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ. Tại Mỹ, sản lượng kinh tế tăng 2,4%.
Theo dự báo mới của Ủy ban Châu Âu - cơ quan điều hành của EU, Đức sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài trong năm nay. Như vậy, Đức là nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu trải qua suy thoái kinh tế trong năm 2023.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu được dự đoán sẽ giảm 0,4% hoạt động kinh tế trong năm nay - thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với ước tính được đưa ra vào tháng 5, Ủy ban châu Âu cho biết. Tổ chức này cũng cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng của Đức vào năm 2024, từ 1,4% xuống 1,1%.
WSJ đánh giá, do sản lượng từ các nhà máy, xuất khẩu và doanh số bán lẻ sụt giảm trong tháng 7, nền kinh tế Đức chỉ có thể thoát khỏi tình trạng suy thoái trong quý hiện tại nếu tháng 8 và tháng 9 chứng kiến sự phục hồi.
Tuy nhiên, các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy hoạt động của nhà máy trên thực tế đã suy yếu.
Theo các nhà quản lý mua hàng được khảo sát bởi S&P Global, sản lượng của các nhà máy trong tháng 8 đã giảm mạnh hơn bất cứ tháng nào kể từ tháng 5/2020 khi đại dịch Covid-19 khiến các đợt phong tỏa diễn ra trong diện rộng.
Ngoài ra, có những dấu hiệu cho thấy sự ảnh hưởng kéo dài đã lan sang các khu vực khác của nền kinh tế.
Danh xưng "người ốm của châu Âu"
CNBC đưa tin, các nhà kinh tế hàng đầu đã đánh giá cường quốc kinh tế của châu Âu giờ trở thành "người ốm của châu Âu".
Khái niệm này được đưa ra vào năm 1998, khi Đức phải đối mặt với những thách thức kinh tế. Và hiện nay, Đức lại được gọi với danh xưng như vậy khi Berlin ghi nhận sản lượng sụt giảm sâu.
Dữ liệu công bố đầu tháng 9 cho thấy hoạt động sản xuất tại nước này giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 6/2009, không tính thời kỳ đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế khác không đồng ý rằng tình trạng hiện tại của Đức có thể được so sánh với những cuộc suy thoái trước đó.
"Tình hình nước Đức ngày nay khác rất nhiều so với những rắc rối năm 1995-2004. Thứ nhất, Đức có số lượng việc làm kỷ lục, nhu cầu lao động cao và vị thế tài chính mạnh mẽ trong tất cả các nền kinh tế tiên tiến lớn.
Điều này giúp việc điều chỉnh trước các cú sốc về kinh tế trở nên dễ dàng hơn nhiều," Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg, cho biết hồi tháng 8.
Suy thoái chung ở châu Âu
Các dự báo kinh tế mới nhất chỉ ra sự suy thoái chung trên toàn khu vực. Theo Ủy ban châu Âu, 27 nền kinh tế EU hiện được dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 0,8% trong năm nay. Con số này giảm so với ước tính 1% được đưa ra vào tháng 5.
Bước sang năm sau, bức tranh cũng ảm đạm hơn trước đó. Liên minh châu Âu dự kiến sẽ tăng trưởng 1,4% thay vì ước tính tháng 5 là 1,7%.
Ủy ban châu Âu cho biết trong một tuyên bố mới đây: "Sự suy yếu trong nhu cầu trong nước đặc biệt là trong nhu cầu tiêu dùng, cho thấy giá tiêu dùng vẫn đang ở mức cao và vẫn đang tăng đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ đang gây thiệt hại nặng nề hơn dự kiến."
Lạm phát cao tiếp tục là một trong những thách thức chính của khối. Dự báo mới nhất cho thấy, giá tiêu dùng sẽ giảm trong những tháng tới, nhưng vẫn có khả năng cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu vào cuối năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận