Thị trường

Vực dậy ngành hàng cá tra từ "cú hích" trong tháng đầu năm mới

21/02/2022, 20:14

Đúng như kỳ vọng, những tháng đầu năm mới, ngành hàng cá tra đã có nhiều khởi sắc, giúp người nuôi phấn khởi…

Nông dân phấn khởi

So với cách nay khoảng 2 tháng, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã tăng ít nhất từ 3.000-4.000 đồng/kg và đang ở mức cao nhất trong hơn 1 năm qua.

img

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL.

Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, cá tra nguyên liệu (cá thịt trắng, cỡ 700-900 gam/con) tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh như An Giang, Ðồng Tháp, Bến Tre… được người nuôi cá bán cho doanh nghiệp với giá 26.000-27.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước giá chỉ ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg.

Giá cá tra nguyên liệu tăng do được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để chế biến xuất khẩu và chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường đang tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương giảm do người dân giảm nuôi tạo điều kiện cho giá nhích lên.

Ông Nguyễn Văn Đời (cồn Tân Phong, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết từ Tết Nguyên đán đến nay, giá cá tra luôn ở mức cao. Gia đình ông hiện nuôi 6 ao cá tra và chuẩn bị thu hoạch.

Trước Tết, ông thu hoạch được một số ao cá, lãi hơn 1.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi cá tra rất phấn khởi vì cả năm qua giá thấp, thức ăn tăng cao đã dẫn đến thua lỗ nặng.

“Trong Tết mình thu hoạch bán được 29.000 - 30.000 đồng/kg, các doanh nghiệp thu mua xuất đi Mỹ. Giá này đã có lãi rồi. Thời tiết nuôi cá rất thuận lợi, tôi đang nuôi 6 ao đến lứa thu hoạch. Bà con luôn mong cá tra ổn định, thì người nông dân mới yên tâm sản xuất”, ông Đời chia sẻ.

Theo các hộ dân nuôi cá tra, với giá bán hiện nay, nếu nuôi cá đạt sản lượng tốt và cá ít bị hao hụt, người nuôi có thể đạt mức lời từ 3.000-4.000 đồng/kg cá tra thương phẩm.

Dự báo giá cá tra nguyên liệu có khả năng còn nhích lên trong thời gian tới do nhu cầu xuất khẩu tăng và nguồn cung có phần hạn chế.

img

Ngành hàng cá tra đang kỳ vọng vào những cú hích trong năm mới.

Nhiều tín hiệu lạc quan

Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP), cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, chuyển sang thích ứng an toàn trong tình hình mới; hoạt động xuất khẩu cá tra đã bắt đầu tăng trưởng trở lại sau thời gian bị tê liệt vì Covid-19.

Tính đến cuối năm 2021, thị trường Trung Quốc chiếm 28% tỷ trọng nhập khẩu cá tra của Việt Nam.

Theo bà Hằng, thời gian qua, thị trường Mỹ chiếm 22% tỉ trọng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường, nhu cầu nhập khẩu cá tra tăng mạnh sau chiến dịch tiêm vaccine và gói phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Trong quý III và quý IV năm 2021, Mỹ tăng lượng nhập khẩu cá tra với mức gần 50% và bù đắp lớn cho các thị trường khác có sự sụt giảm đáng kể.

Dự báo, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng vì nhu cầu từ thị trường này vẫn lớn, do sản xuất nội địa Mỹ giảm, giá thủy hải sản tại Mỹ tăng cao.

Xuất khẩu sang Trung Quốc khó có thể đoán định vì nước này vẫn kiên định kiểm soát chặt thủy sản; thị trường EU có thể phục hồi nhưng không mạnh.

img

Nuôi cá tra ở ĐBSCL.

Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Nhóm hàng tôm và cá tra vẫn là “át chủ bài”.

Trong đó, xuất khẩu cá tra dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và thị trường Trung Quốc - Hồng Kông vẫn là khu vực tiềm năng cho xuất khẩu cá tra. Đây là thông tin lạc quan, bởi theo VASEP, từ cuối năm 2021, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và riêng Hồng Kông (Trung Quốc) đã tăng trưởng trở lại.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: "Qua những dự báo và đánh giá, ngành cá tra rất có triển vọng phát triển trong thời gian tới.

Việc giải quyết trước mắt hiện nay là các địa phương rà soát, cân đối lại số lượng trong các tháng tiếp theo có khả năng cung cấp nguyên liệu bao nhiêu để từ đó có giải pháp về mặt kỹ thuật, quy trình nuôi… Để từ đó đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến xuất khẩu trong những tháng đầu năm tới không bị đứt gãy".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.