Từ Kiên Giang lên TP.HCM tiết kiệm 1 giờ
Nửa đêm một ngày đầu tháng 11, anh Nguyễn Hoàng Minh (40 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cẩn thận kiểm tra lại chiếc xe tải ba tấn của mình. Thấy mọi thứ đã an toàn, anh leo lên cabin, bắt đầu chuyến chở hàng về TP.HCM.
Đó là công việc thường ngày của anh từ hơn 10 năm qua, lúc thì chở hàng nghìn trái khóm của vùng đất Tắc Cậu trứ danh, khi thì chở đầy cá, tôm, mực… Đích đến của anh thường là TP.HCM, có lúc là một số tỉnh Đông Nam Bộ.
Trước khi có tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, anh phải xuất phát sớm hơn một tiếng, đi gần hết quốc lộ 80, từ Kiên Giang qua Cần Thơ rồi Đồng Tháp, rẽ vào quốc lộ 1 để đến đích.
"Quốc lộ 80 từ Kiên Giang lên TP.HCM gần như độc đạo. Đoạn từ Kiên Giang đến Cần Thơ xe đông mà đường xấu, xe tải nườm nượp, không chạy nhanh được. Còn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi ban đêm rất yên tâm vì xe vắng, tôi giữ tốc độ đều đều là an toàn", anh Minh nói.
Đầu năm 2021, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi vào khai thác sau 5 năm thi công. Việc một tuyến đường băng qua những cánh đồng lúa mênh mông là điều khó có thể quên trong trí nhớ người dân xứ này.
Bà Lê Thị Út Vân (60 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) kể lại, nhà bà có 10 công ruộng, lúc triển khai dự án, nhà bà mất hơn một công: "Xứ này trước giờ chưa có đường nào giải phóng rộng như đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Cán bộ xã, huyện về thông báo thu hồi, bồi hoàn đất, tôi và gia đình đồng ý cái rẹt".
Với việc đồng lòng của những người miền Tây như bà Vân đã góp phần không nhỏ trong công tác giải phóng mặt bằng cho dự án lúc bấy giờ.
Vượt bão cát, bão giá
Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vẫn nhớ như in những ngày tháng gian nan mở tuyến "cao tốc thứ hai" về miền Tây (cùng với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương).
Theo ông Tuấn, từ năm 2001, Bộ GTVT đã lên kế hoạch mở tuyến đường này để chia tải cho quốc lộ 80. Nhưng phải đến năm 2008 mới bắt đầu tập trung vào việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn ODA, sau đó được Chính phủ Hàn Quốc đồng ý tài trợ.
Vì nguồn vốn hạn hẹp, lúc đầu chỉ tính làm một tuyến đường tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng. Nhưng khác các tuyến quốc lộ khác là sẽ cấm xe gắn máy, xe thô sơ, lắp hàng rào dọc tuyến để ngăn gia súc, người băng qua.
Ông Tuấn lý giải, nhiều người hay gọi là tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là cao tốc, nhưng thực chất theo tiêu chuẩn cao tốc, đường phải được xử lý lún triệt để, mặt đường thảm bê tông nhựa, có làn dừng khẩn cấp, hệ thống camera giám sát, trạm dừng nghỉ…
Nhưng vì có tuyến quốc lộ 80 chạy song song, nên khi xây dựng Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã tính toán chỉ cho ô tô chạy, cấm xe gắn máy, xe thô sơ để đảm bảo an toàn. Sau này khi có điều kiện sẽ nâng lên theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.
Cũng theo ông Tuấn, quá trình triển khai dự án không hề suôn sẻ. Năm 2010, dự án được phê duyệt với 4 làn xe, có dải phân cách giữa, rộng 16,5m.
Sau đó, vì vốn hạn chế, mặt đường thu hẹp xuống còn 12,5m, tương đương 2 làn xe, không có dải phân cách. Đến năm 2016, sau khi đấu thầu, nhà thầu giảm giá, lại dư vốn, lúc đó Bộ GTVT làm việc với nhà tài trợ, đề xuất sử dụng vốn dư để nâng lên 4 làn xe.
Khi bắt tay vào thi công, giá vật liệu tăng rất cao. Giá cát lúc đấu thầu chỉ 40.000 đồng/m3 đã tăng lên hơn 200.000 đồng/m3.
"Thời điểm đó có tiền cũng không mua được cát", ông Tuấn kể và cho biết, toàn bộ công trường gần như đứng im gần một năm rưỡi. Ban quản lý dự án, nhà thầu phải chạy đôn đáo làm việc với địa phương để xin cấp các mỏ cát phục vụ dự án.
Không chỉ cát, các vật liệu khác như sắt thép, đá cũng tăng phi mã. Ông Tuấn kể: "Dự án chia làm 2 gói thầu, mỗi gói có nhà thầu chính Hàn Quốc và ít nhất 3 nhà thầu phụ Việt Nam. Nhưng cứ vào được một tháng là nhà thầu phụ bỏ chạy vì lỗ. Nhà thầu chính lại phải lựa chọn nhiều lần các nhà thầu phụ khác.
Tại các mỏ đá ở An Giang, nhiều hôm sà lan đậu trên sông dài cả cây số để chờ vào lấy đá. Cứ mỗi sáng sà lan tới, chúng tôi phải chụp hình, nhắn biển số sà lan cho chủ mỏ biết để ưu tiên cấp trước".
Anh Nguyễn Nguyên, kỹ sư trực tiếp chỉ huy thi công gói thầu ở đoạn cuối tuyến qua Kiên Giang nhớ lại: "Vì mở tuyến đường băng qua ruộng đồng nên lúc đầu đi vào công trình có nơi phải lội bộ hàng cây số. Lán trại của công nhân làm giữa ruộng đồng. Buổi tối phải mắc màn ăn cơm vì lắm côn trùng".
Với sự vào cuộc tích cực của địa phương, quyết tâm của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu, dự án cũng đã về đích đầu năm 2021, kịp phục vụ người dân đi lại dịp Tết Tân Sửu.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km, rộng 17m, tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó 4.550 tỷ đồng là vốn vay ODA Hàn Quốc, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.
Đường nối từ huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ tới huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Dự án khởi công vào tháng 1/2016, thông xe đầu năm 2021.
Tuyến đường được xây dựng 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe và mặt đường bê tông nhựa, vận tốc thiết kế 100km/h.
Theo kế hoạch, trong năm tới, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cùng với tuyến đường nối Cao Lãnh – Vàm Cống sẽ được nâng cấp, thảm bê tông nhựa. Tương lai sẽ kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Tuyến N2 (Đức Hòa - Long An đến Mỹ An) cũng được nâng lên theo tiêu chuẩn cao tốc, để tạo thành tuyến đường cao tốc thứ hai hơn 150km xuyên suốt từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận