Quản lý

Vượt cửa hẹp giải phóng mặt bằng các “siêu” dự án

11/02/2024, 14:30

Siêu sân bay Long Thành đã được bàn giao đủ mặt bằng giai đoạn 1. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hai tuyến đường kết nối sân bay cũng lần lượt có mặt bằng. Đó là những thách thức Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã vượt qua để đảm bảo tiến độ các dự án.

Ròng rã gõ cửa từng nhà vận động nhường đất xây sân bay

Những ngày đầu năm mới, có mặt tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, PV Báo Giao thông ghi nhận, nhiều gia đình đang trang trí nhà cửa, dọn dẹp chuẩn bị đón Tết trong những căn nhà kiên cố, khang trang.

Vượt cửa hẹp giải phóng mặt bằng các “siêu” dự án- Ảnh 1.

Toàn cảnh khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, nơi phục vụ tái định cư cho người dân nhường đất xây dựng sân bay Long Thành.

Lau từng vết bụi bám ở khung cửa, ông Đinh Xuân Huỳnh cho biết, ông là một trong những hộ dân đầu tiên về khu tái định cư từ tháng 5/2021. Với hơn 3.000m2 đất bị thu hồi, gia đình ông được bố trí lô đất tái định cư có diện tích 250m2. Cùng tiền hỗ trợ của Nhà nước, ông Huỳnh xây căn nhà mới một trệt, một lầu trên một nửa diện tích, nửa còn lại làm vườn. Tiền còn dư ông gửi ngân hàng để hưởng tuổi già.

"Cuộc sống ở đây tốt hơn chỗ cũ, sau này sân bay đi vào hoạt động, đây sẽ là một đô thị sầm uất, cuộc sống người dân kỳ vọng sẽ tốt hơn nữa", ông Huỳnh nói.

Có thể nói, năm 2023 Đồng Nai đã vượt qua "cửa hẹp" khi bàn giao xong 2.532/5.000ha mặt bằng giai đoạn 1 của sân bay Long Thành.

Ông Võ Tấn Đức, quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trước đây là chủ tịch UBND huyện Long Thành đã nhiều năm lăn lộn cùng dự án.

Bản thân ông Đức cũng không nhớ hết đã bao nhiêu lần cùng lãnh đạo, cán bộ địa phương xuống gặp người dân trực tiếp tuyên truyền, vận động bàn giao mặt bằng. Hơn ai hết, ông Đức thấu hiểu cuộc sống tạm bợ của người dân nên mong muốn bà con sớm ổn định, an cư lạc nghiệp khi di dời, nhường đất cho dự án sân bay Long Thành.

Vượt cửa hẹp giải phóng mặt bằng các “siêu” dự án- Ảnh 2.

Những người lớn tuổi ở khu tái định cư vui vầy bên gia đình, con cháu, ngày ngày đưa đón cháu đến trường.

Thế nhưng, khi dự án triển khai, những khó khăn về thủ tục, hồ sơ đất khiến việc bồi thường bị chậm, người dân lại một lần nữa sẵn sàng ra ở trọ, nhường đất cho dự án và chờ khu tái định cư xây dựng xong.

"Những lúc đó xuống với dân mà rơi nước mắt. Tôi nói với anh em, dân họ hi sinh như vậy, cán bộ phải làm việc đêm hôm để không phụ lòng dân. Và đúng là anh em làm việc không quản ngày đêm, dịch dã, tất cả vì đại cuộc chung, vì dự án trọng điểm quốc gia", ông Đức nói.

Vượt cửa hẹp giải phóng mặt bằng các “siêu” dự án- Ảnh 3.

Các cháu bé cũng đã có trường mới khang trang, đầy đủ tiện ích ở khu tái định cư sân bay.

Còn ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành - người trực tiếp thực thi chủ trương di dời người dân từ các xã về khu tái định cư để nhường đất cho sân bay có nhiều đêm không ngủ được.

Ông Tiếp cho biết, từ khi dự án được phê duyệt quy hoạch đến khi thu hồi đất, lập hồ sơ bồi thường là 13 năm 6 tháng. Nhưng chỉ 3 năm 6 tháng là để lập hồ sơ bồi thường di dời, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án, trong đó có gần 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19.

"Có những hộ chúng tôi không nhớ nổi đã đến bao nhiêu lần, gặp bao nhiêu khó khăn nhưng anh em vẫn chấp nhận gõ cửa liên tục, không nản chí. Nhiều lần thuyết phục không được cũng buồn, nhưng ai cũng hiểu người dân có tâm tư riêng nên cùng tháo gỡ. May mắn lần lượt các hộ dân cuối cùng cũng đồng thuận di dời để địa phương bàn giao cho chủ đầu tư đúng hẹn", ông Tiếp nói.

Ông Lê Văn Trung, Trưởng ban Dân vận huyện Long Thành cho biết, nhiều năm ròng rã ông cùng các cán bộ khác nhận nhiệm vụ gõ cửa từng hộ dân để vận động, di dời người dân nhường đất xây sân bay.

Vượt cửa hẹp giải phóng mặt bằng các “siêu” dự án- Ảnh 4.

Sân bay Long Thành những ngày Tết vẫn nhộn nhịp thi công (Ảnh: Chí Hùng).

Bất kể mưa, nắng, những chiếc xe máy vẫn len lỏi trên cung đường quen thuộc để đến với từng nhà dân. Nhiều năm ròng rã làm công tác vận động, có vui, có buồn nhưng tất cả đều vỡ òa cảm xúc khi đất phục vụ dự án sân bay đã lần lượt được bàn giao. Nhờ vậy các hạng mục như nhà ga hành khách, đường lăn sân đỗ, tuyến giao thông kết nối T1, T2 có mặt bằng để đua tiến độ thi công.

"Chông gai nhất vẫn là những hộ cuối cùng, toàn bộ sân bay đã đồng loạt thi công nhưng vẫn còn chục căn nhà lọt thỏm ở giữa, nguy hiểm tứ bề. Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2023, anh em chúng tôi ngày nào cũng bám trụ giữa công trường mênh mông để nói chuyện, thuyết phục bà con. Mưa dầm thấm lâu…", ông Trung mắt trầm tư khi nhìn về công trường đang rộn rã tiếng máy thi công mà lòng phấp phới khi mình cũng có phần đóng góp công sức trong đó.

Vượt cửa hẹp giải phóng mặt bằng các “siêu” dự án- Ảnh 5.

Nhờ có mặt bằng sớm, sân bay Long Thành được đua tiến độ, hiện nay nhiều hạng mục đã thành hình. Đặc biệt nhà ga hành khách đã hiện rõ hình ảnh hoa sen (Ảnh: Chí Hùng).

Đông Nam Bộ sẽ là vùng đô thị hiện đại

Mặt bằng cho sân bay Long Thành chưa xong, cả Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt tay lo mặt bằng cho sân bay là mặt bằng cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và hai đường T1, T2 vào sân bay. Đây đều là những dự án trọng điểm quốc gia, tiến độ cấp bách.

Có mặt tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi ghi nhận không khí hối hả, khẩn trương thi công của các nhà thầu tại dự án thành phần 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu những ngày đầu năm mới.

Nhiều đoạn cao tốc qua thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa đã nên hình hài một tuyến đường lớn. Đưa tay chỉ theo hướng về thành phố Bà Rịa, ông Nguyễn Minh Tuấn chủ tịch UBND xã Tóc Tiên cho biết, mặt bằng đã bàn giao xong, cứ buổi chiều, bà con ra hai bên công trường xem công nhân thi công. Ai cũng háo hức mong dự án hoàn thành sớm, có đường cao tốc để đi lại thuận tiện.

Vượt cửa hẹp giải phóng mặt bằng các “siêu” dự án- Ảnh 6.

Nhờ có mặt bằng sớm nên cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành hình.

Còn ông Trương Trọng Ngân, Trưởng ban Dân vận thị xã Phú Mỹ chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong công tác GPMB là giữ quy hoạch đất tốt, vì cao tốc đã được quy hoạch từ trước. Khi có chủ trương triển khai, cán bộ địa phương xuống làm việc là bà con thuận ngay. Vì vậy, ngày khởi công đã có trên 70% mặt bằng và đến nay gần như đã giải quyết xong những điểm khó.

Có thể nói, trong vòng ba năm tới, khu vực Đông Nam Bộ sẽ từng bước có hệ thống giao thông kết nối liên vùng thuận lợi. Cùng với "siêu" sân bay Long Thành đưa vào khai thác vào năm 2026, các tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc, Vành đai 3… sẽ tạo tính kết nối liên vùng tương đối hoàn chỉnh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá Đồng Nai đang là công trường của hàng loạt dự án giao thông trọng điểm.

"Khi tất cả các dự án về đích đúng hẹn, đến 2030 Đồng Nai có hạ tầng giao thông kết nối tốt, khó có nơi nào sánh được", ông Thọ nhấn mạnh.

Vượt cửa hẹp giải phóng mặt bằng các “siêu” dự án- Ảnh 7.

Một góc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong những địa phương phát triển mạnh kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.

Trước những giá trị của sân bay Long Thành, hệ thống cao tốc đã và đang được triển khai, Đồng Nai cũng bắt đầu tận dụng các lợi thế. Trong đó, địa phương này đang từng bước triển khai quy hoạch vùng sân bay Long Thành.

Thành phố có quy mô khoảng 55.000ha, gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Thành và một phần huyện Cẩm Mỹ.

Đối với vấn đề giao thông kết nối, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, cả Đông Nam Bộ xoay quanh 2 tâm là cảng Cái Mép và sân bay Long Thành. Mọi giao thông đều hướng về 2 tâm này, nên trong quy hoạch, các đơn vị liên quan rà soát lại giao thông kết nối nhuần nhuyễn 5 phương thức giao thông trong khu vực đô thị sân bay.

Trên 1.000 nhân lực thi công sân bay Long Thành xuyên TếtTrên 1.000 nhân lực thi công sân bay Long Thành xuyên Tết

Trên 1.000 nhân lực cùng nhiều máy móc sẽ thi công xuyên Tết để đua tiến độ trên công trường xây dựng sân bay Long Thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.