Quản lý

Vượt khó, tăng tốc giải ngân vốn giao thông

25/08/2021, 06:47

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021, trong 5 tháng cuối năm, Bộ GTVT sẽ phải giải ngân khoảng 24.000 tỷ đồng.

Trên công trường thi công các dự án giao thông cả nước đang ít nhiều chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo không để dịch bệnh làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

img

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo không để dịch bệnh làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải

Những “đầu tàu” giải ngân tăng tốc

Chỉ chưa đầy 3 tháng kể từ khi có sự thay đổi nhân sự ở cấp lãnh đạo và đưa ra các chương trình hành động mới, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Ban QLDA 6 có sự bứt phá ngoạn mục.

Từ đơn vị “chiếu dưới” nằm trong nhóm “đội sổ” của Bộ GTVT vào cuối tháng 5/2021 với số vốn giải ngân vỏn vẹn 222 tỷ đồng, đến cuối tháng 7/2021, khối lượng giải ngân của đơn vị này tăng gấp hơn 4 lần, lên hơn 1.045 tỷ đồng.

Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2021, Bộ GTVT được giao kế hoạch 42.996 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7/2021, Bộ GTVT đã giải ngân hơn 19.000 tỷ đồng (đạt 44,1%), cao hơn so với mức bình quân chung khối các Bộ, ngành Trung ương (32,69%). Dự kiến, đến hết tháng 8/2021, lũy kế giải ngân của Bộ GTVT đạt khoảng 21.390 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch cả năm.


Ngay khi kết thúc tháng 8, QLDA 6 sẽ chính thức gia nhập nhóm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT đạt mức giải ngân trên 1.000 tỷ đồng.

“Kế hoạch vốn năm 2021 của Ban được điều chỉnh, bổ sung khoảng 2.084 tỷ đồng. Dự kiến, kết thúc tháng 8/2021, giá trị giải ngân lũy kế của chúng tôi đạt khoảng 1.168 tỷ đồng (đạt 56%), khối lượng tập trung chủ yếu ở hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt”, ông Hoàng Triệu Long, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban QLDA 6 thông tin.

Lập kỷ lục giải ngân năm 2020 với số vốn lên tới hơn 8.681 tỷ đồng, Ban QLDA Thăng Long tiếp tục là “đầu tàu” giải ngân của Bộ GTVT trong năm nay khi được giao hơn 8.300 tỷ đồng.

Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch, Ban QLDA Thăng Long cho biết, đến hết tháng 7/2021, đơn vị đã giải ngân hơn 5.548 tỷ đồng, đạt 65,3% kế hoạch. “Dự kiến,cuối tháng 8, giá trị giải ngân của Ban hơn 6.300 tỷ đồng, đạt hơn 76% kế hoạch cả năm”, ông Sơn nói.

Tại khu vực phía Nam, Ban QLDA 7 được Bộ GTVT giao triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2, nâng cấp tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp… với tổng kế hoạch năm 2021 lên tới 6.122 tỷ đồng.

“Đến hết tháng 8/2021, chúng tôi dự kiến giải ngân khoảng 3.185 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch, vượt 546 tỷ đồng so với kế hoạch đã đăng ký”, ông Nguyễn Thiện Hùng, Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp Ban QLDA 7 chia sẻ.

“Mấu chốt giải ngân là có sản lượng thi công”

Ông Trần Hữu Hải, Q.Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, cao tốc Bắc - Nam đang là “mỏ” giải ngân lớn nhất của các Ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách đã tác động không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án. Điều này buộc các chủ đầu tư, ban quản lý phải đưa ra những giải pháp mới vừa thi công, vừa phòng dịch trên công trường để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn.

“Mấu chốt giải ngân là việc phải chạy, dự án phải có sản lượng thi công và khối lượng nghiệm thu thanh toán. Ngay sau khi tổ chức thi công đồng loạt các gói thầu cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu trong tháng 7/2021, chúng tôi đã thiết lập hệ thống phần mềm họp trực tuyến với ban điều hành dự án, các nhà thầu, tư vấn để chỉ đạo công tác tổ chức thi công hàng ngày, hàng tuần”, ông Hải nói.

Đối với hoạt động công trường, Ban QLDA 6 đã chỉ đạo ban điều hành dự án khoanh vùng khu vực lán trại và nhà điều hành của nhà thầu trên công địa từng gói thầu để chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ người ra, người vào.

Các xe chở vật liệu, máy móc vào công trường dự án bắt buộc phải có “luồng xanh”.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Ban chỉ đạo các nhà thầu tăng cường tối đa nguồn nhân lực, thiết bị, máy móc thuê mướn ngay tại địa phương để tránh phải vận chuyển qua các tỉnh, thành. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu đẩy mạnh tăng ca, tăng kíp.

Về thủ tục giải ngân, ông Quý cho biết, thay vì họp trực tiếp như trước, hồ sơ nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu hiện đều được rà soát qua thư điện tử, bản cứng sẽ được chuyển qua đường bưu điện để các bên liên quan ký kết.

“Năm 2021, chúng tôi được giao giải ngân khoảng 4.700 tỷ đồng. Dự kiến hết tháng 8, khối lượng giải ngân đạt hơn 2.400 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch cả năm. Đơn vị đang tập trung tối đa để hoàn thành kế hoạch”, ông Quý nói.

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long chia sẻ, tại hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, các nhà thầu thi công đến đâu, có sản lượng nghiệm thu đều được Ban QLDA Thăng Long giải ngân ngay tới đó.

“Hồ sơ nghiệm thu khối lượng của nhà thầu được gửi qua đường bưu điện. Sau khi nhận được hồ sơ, chúng tôi cho rà soát để thanh toán ngay cho nhà thầu. Công tác thanh toán, giải ngân cho các nhà thầu hiện không có gì vướng mắc”, ông Roãn nói.

Trong khi đó, dù khối lượng giải ngân trong 8 tháng đầu năm dự kiến đạt khoảng 3.185 tỷ đồng, vượt 546 tỷ đồng so với kế hoạch đăng ký, nhưng ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA 7 lại tỏ ra lo lắng khi những vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp và nguồn vaccine cho cán bộ, công nhân trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa được tháo gỡ.

Theo ông Khánh, nhu cầu đất đắp tại dự án cần khoảng 9,2 triệu m3, còn thiếu khoảng 6 triệu m3. Dù Ban QLDA 7 đã kiến nghị rất nhiều lần với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhưng đến nay chưa thể tháo gỡ do vướng quy định của Luật Khoáng sản.

Đặc biệt, trên công trường đang có khoảng 1.500 cán bộ, công nhân, nhưng đến nay mới có 50 người được tiêm vaccine mũi 1.

“Nếu các vướng mắc này không sớm được giải quyết, chúng tôi sẽ phải đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội gia hạn tiến độ thêm một năm, hoàn thành vào năm 2023 thay vì cuối năm 2022”, ông Khánh chia sẻ.

Giám đốc các PMU chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân

img

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021, trong 5 tháng cuối năm, Bộ GTVT sẽ phải giải ngân khoảng 24.000 tỷ đồng.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thời tiết ở nhiều khu vực dự án thi công bắt đầu vào mùa mưa bão, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án căn cứ vào khối lượng còn lại từ nay đến cuối năm xây dựng kế hoạch cụ thể về tiến độ thi công theo từng tuần, từng tháng tương ứng với khối lượng giải ngân để có cơ sở kiểm soát, chỉ đạo điều hành.

“Để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án bố trí lực lượng thường trực tại công trường vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, vừa đảm bảo xử lý nhanh các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình thi công, hồ sơ nghiệm thu thanh toán”, Thứ trưởng Lâm nói và cho biết, đối với các nhà thầu phải duy trì các mũi thi công, xây dựng kế hoạch linh hoạt phù hợp.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Vụ KH-ĐT và cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ kết quả thực hiện ở hiện trường đối với kế hoạch đã xây dựng của ban quản lý dự án, nhà thầu để có biện pháp xử lý, chỉ đạo kịp thời.

“Bộ GTVT cũng yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GTVT về kết quả giải ngân vốn đầu tư công và coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại cán bộ vào cuối năm”, Thứ trưởng Lâm chia sẻ.

Liên quan đến Nghị quyết 60 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng cho biết, các tỉnh, thành đang căn cứ theo quy định của nghị quyết để đẩy nhanh thủ tục cấp phép, giải quyết thủ tục liên quan đến việc nâng công suất các mỏ đang khai thác.

Tuy nhiên, việc nâng công suất chỉ giải quyết được một phần, bởi nội dung lớn nhất liên quan đến trình tự, thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ mới vẫn phải thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản.

Vì thế, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ TN&MT tiếp tục báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh các quy định liên quan đến Luật Khoáng sản để rút ngắn thủ tục cấp phép, thăm dò các mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam.

Lập tổ công tác đặc biệt “thúc” tiến độ giải ngân

Ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký Công điện 11 quán triệt, triển khai Công điện 1082 ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Trong công điện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, Thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021.

Bộ trưởng yêu cầu xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông khẩn trương tham mưu thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng là Tổ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm là Tổ phó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.