Hầu hết đường giao thông trên địa bàn xã Vĩnh Chấp còn là đường đất |
Con đường nhựa liền mạch duy nhất của xã cũng chính là đoạn từ Km 720+ 602 QL1 rẽ vào con đường nhựa lên trụ sở UBND xã. Từ cổng trụ sở UBND xã Vĩnh Chấp, tuyến đường liên xã lên đến xã Vĩnh Khê (giao với đường sắt Bắc - Nam) dài gần 4km ngổn ngang bùn đất. Nhánh đường liên xã thứ 2, đoạn gần trụ sở UBND xã vào điểm cuối tại Km722+ 596 QL1 (dài hơn 4km) cũng trong tình cảnh “nắng bụi, mưa lầy”.
Theo ông Hoàng Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Chấp: Đường đất là “đặc sản” của xã. Trong tổng số hơn 10km đường liên xã, Vĩnh Chấp hiện mới chỉ có 1,4km được thảm nhựa. Đường liên thôn cũng chỉ mới bê tông hóa được 10/65km. Hiện trạng đường liên thôn, liên xã chủ yếu đường đất và xuống cấp hư hỏng nặng đã ảnh hưởng rất lớn đến đi lại, phát triển KT-XH cũng như xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương. “Bà con trồng rừng, khoai sắn, chăn nuôi trang trại, nhưng đường chưa được đầu tư, xe không vào tận nơi nên đầu ra hết sức khó khăn”, ông Xuân nói.
"Bê tông hóa đường GTNT dân đóng góp tiền nhưng tiền đối ứng của Nhà nước chưa có. Vĩnh Chấp là một xã nghèo của huyện, cũng gặp những khó khăn về nguồn vốn. Dù vậy, nhân dân đã đóng góp đủ tiền, đang mong chờ sự quan tâm của Nhà nước”. Ông Trần Hữu Hùng |
Đáng chú ý, trong khi huyện Vĩnh Linh đã có 11/19 xã cán đích xây dựng NTM, Vĩnh Chấp đang bế tắc về tiêu chí giao thông. Ngay những thôn dọc QL1, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nằm rải rác tại 11 thôn và 2 cụm Sa Lung- Khe Lấu. Đơn cử, tuyến đường chính từ QL1 vào các thôn Chấp Bắc, Chấp Nam chỉ mới bê tông hóa được vài trăm mét, còn lại chủ yếu đường đất được dặm vá đá dăm lỗ chỗ. Còn tuyến đường chính từ QL1 vào thôn Chấp Đông vẫn là đường đất lởm chởm.
Ông Xuân cho biết thêm, năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư gần 10km đường liên xã nối từ QL1 xã Vĩnh Chấp - Vĩnh Khê (huyện Vĩnh Linh) lên đường Hồ Chí Minh từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ nhưng làm được 1,4km từ QL1 lên đến cổng UBND xã thì dừng do thiếu vốn. Nhiều năm nay dự án “đắp chiếu”, đường hư hại, xuống cấp khiến việc lưu thông của người dân hết sức khó khăn. Trước Tết Đinh Dậu 2017, địa phương tổ chức san ủi, sửa chữa một số đoạn đường liên xã quá lầy lội để người dân đi lại nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Vấn đề là huy động nguồn vốn, nguồn ngân sách để triển khai.
“Theo Nghị quyết của huyện, phấn đấu đến năm 2018 Vĩnh Chấp “về đích” NTM, người dân địa phương đã đóng góp kinh phí đối ứng để cùng Nhà nước làm đường giao thông nông thôn nhưng đến nay kinh phí ở trên cấp về ít quá. Vĩnh Chấp hiện đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng NTM, trong 5 tiêu chí còn lại thì tiêu chí giao thông là nan giải nhất khiến Vĩnh Chấp vốn “đội sổ” trong số các xã được đầu tư giao thông nông thôn”, ông Xuân chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Phú (60 tuổi, thôn Chấp Đông) cho rằng, hưởng ứng chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân trong thôn đã hăng hái đối ứng số tiền 50% để bê tông hóa đường thôn Chấp Đông. Nhưng dân đóng rồi vẫn phải chờ phần vốn ngân sách. Đường trong thôn mới được bê tông hóa vài đoạn. Có lẽ phải 10 năm sau tuyến đường chính thôn Chấp Đông mới bê tông hóa ra đến được QL1.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận