Xã hội hóa đảm bảo ATGT: Lấy tiền xử phạt hoàn vốn nhà đầu tư

31/12/2014, 07:28

Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội phần mềm Việt Nam đang xây dựng đề án tổng thể xã hội hóa, tăng cường hàm lượng công nghệ thông tin trong đảm bảo ATGT với trọng tâm là công nghệ...

Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến chủ trương này, nhất là việc hoàn vốn cho các nhà đầu tư.    

Giám sát vi phạm tốc độ bằng hệ thống camera trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ
Giám sát vi phạm tốc độ bằng hệ thống camera trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ

Có thể hoàn vốn thông qua xử phạt

Đâu là lý do để Ủy ban ATGT Quốc gia đẩy mạnh “phạt nguội” qua hình ảnh, thưa ông? 

Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam thu khoảng 4 - 5 nghìn tỷ đồng từ xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường  bộ, đường sắt. Tuy nhiên, xét về số lượng các hành vi vi phạm trong thực tế (lực lượng chức năng không kiểm soát được - PV), mức thu trên là rất thấp, chỉ được khoảng 5% trở lại. Vì thế, nguồn thu từ xử phạt VPHC trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt còn rất lớn. Hiện nay, nguồn này (5%) đang được sử dụng để hỗ trợ trở lại cho CSGT, TTGT và công tác đảm bảo ATGT của các địa phương. 

Đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhà đầu tư sẽ hoàn vốn bằng thu phí, còn đầu tư vào ATGT thì sẽ hoàn vốn bằng cách nào, thưa ông?

Hình thức đầu tư và sử dụng công nghệ này cũng tương tự như việc xã hội hóa đầu tư hệ thống bán vé điện tử đường sắt. Tư nhân sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống vận hành khai thác, còn thông tin, xử lý thông tin và xử lý vi phạm thuộc về các cơ quan chức năng. 

Khi lập dự án sẽ xác định được chi phí đầu tư, vận hành hàng năm để trên cơ sở đó tính toán mỗi năm Nhà nước trả bao nhiêu tiền để hoàn vốn, bù đắp chi phí vận hành khai thác và lợi nhuận đầu tư bình quân trên thị trường. Khi đó sẽ xác định được phần trăm kinh phí xử phạt thu được để hoàn vốn cho nhà đầu tư. Cùng đó, khi có công nghệ tiên tiến, số lượng phát hiện xử phạt chắc chắn sẽ tăng lên nhiều. 

Hiện ngân sách Nhà nước rất khó khăn, vì thế khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng về tăng cường sử dụng CNTT trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và Bộ Công an cho rằng, việc xã hội hóa đầu tư, có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân là rất cần thiết.  

Công ty Cổ phần FPT đã đầu tư hệ thống bán vé điện tử đem lại nhiều thuận lợi cho hành khách khi muốn mua vé tàu Ảnh: Xuân Đoàn
Công ty Cổ phần FPT đã đầu tư hệ thống bán vé điện tử đem lại nhiều thuận lợi cho hành khách khi muốn mua vé tàu 

Giảm tối đa lực lượng CSGT trên đường

Vấn đề là, trong lĩnh vực ATGT, mức xử phạt có thể sẽ giảm khi ý thức của người tham gia giao thông nâng lên. Theo ông, đó có phải là rủi ro cho nhà đầu tư?

Ở những nước phát triển, chẳng hạn như tại Nhật Bản, mức xử phạt còn rất cao. Bình thường chúng ta phải chi cho nhân lực, trang thiết bị để làm thủ công, khi có công nghệ sẽ tiết kiệm được tối đa. Đó là cái lợi đầu tiên. Chỉ cần như vậy cũng đủ để chúng ta chi trả cho bất kể khoản kinh phí đầu tư, duy trì, khai thác nào. Bên cạnh đó, chi phí dành cho khắc phục hậu quả tai nạn sẽ giảm đi nhiều. Đó cũng là lợi ích rất lớn cho xã hội. 

Hiện việc thực hiện quy định về chuyển quyền sở hữu phương tiện vẫn chưa hoàn thành, trong khi xã hội hóa, áp dụng công nghệ để phạt nguội, bắt buộc phải hoàn thành việc này. Theo ông đây có phải là một khó khăn?

Hiện có một tỷ lệ nhất định phương tiện chưa “chính chủ”. Tuy nhiên, chủ yếu là xe máy, còn ô tô rất ít. Khi triển khai, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tính toán để khớp với việc hoàn thiện hồ sơ xe chính chủ. Với xe ô tô dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015 còn xe máy là trong 2017. 

Mục đích quan trọng nhất chúng ta hướng tới khi áp dụng công nghệ này là để người tham gia giao thông không vi phạm nữa. Bên cạnh đó, việc triển khai cũng được thực hiện từng bước chứ không phải áp dụng ngay lập tức. Như kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, chỉ cần 8 CSGT làm việc với công nghệ đã bằng hiệu quả của 50 CSGT làm theo kiểu thủ công, gấp 6 lần. Vì thế có thể tiết kiệm được chi phí lớn cho lực lượng này. 

Cho tới thời điểm này, các cơ quan chức năng đã triển khai việc xã hội hóa, xây dựng đề án đến đâu rồi, đã có nhà đầu tư tiềm năng nào tham gia chưa, thưa ông? 

Hiện nay, Bộ Công an đã xây dựng riêng một đề án về ứng dụng camera trong giám sát và xử lý vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng phối hợp với Bộ GTVT và Công ty CP FPT xây dựng đề án chung, trong đó sẽ có rất nhiều dự án. Để triển khai, ban đầu dự kiến sẽ ưu tiên triển khai các dự án đã được phê duyệt của Bộ Công an để đảm bảo nhanh nhất và đi vào lĩnh vực nóng bỏng nhất. 

Đề án này còn xây dựng hạ tầng thông tin, phần mềm để kết nối cơ sở dữ liệu, trong đó có đăng kiểm, người lái, TNGT, vi phạm hành chính, cấp cứu, bảo hiểm… Mỗi bộ, ngành sẽ có đề án riêng cho từng lĩnh vực và sẽ kết nối lại để chia sẻ được với nhau. Chẳng hạn như một chiến sỹ CSGT dừng một phương tiện thì có thể kiểm tra ngay được hồ sơ về đăng kiểm, hồ sơ lái xe… Hay khi một nạn nhân cấp cứu trong bệnh viện, người ta có thể trích xuất được hồ sơ, dữ liệu của nạn nhân…  Việc này sẽ giúp minh bạch hóa toàn bộ quá trình xử lý thông tin và thực hiện các chế độ, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến ATGT và xử lý hậu quả. 

Cảm ơn ông!

Tiến Mạnh (Thực hiện)  

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, đường sắt: 

Áp dụng CNTT là xu thế tất yếu  

img

Toàn bộ hệ thống hình ảnh qua camera giám sát giao thông trên QL1 từ Pháp Vân đến Cần Thơ được truyền thẳng về Trung tâm chỉ huy của Bộ Công an. Tuy nhiên, hiện nay trên QL1, nhiều đoạn đang được sửa chữa nâng cấp nên một số vị trí phải thay đổi, việc giám sát cũng như phạt nguội còn chưa phát huy hết. Đến ngày 1/1/2015, CSGT sẽ xử phạt những hành vi không sang tên đổi chủ khi mua bán, trao tặng, thừa kế đối với ô tô sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc giám sát giao thông cũng như xử phạt qua hình ảnh. Về lâu dài, áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật trong tổ chức, giám sát giao thông là xu thế tất yếu, nên cần đẩy mạnh triển khai.

K.H

Bà Bùi Thị Hải Yến, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Hanel:

Hanel sẵn sàng đầu tư vào ATGT  

img

Chúng tôi sẵn sàng tham gia thực hiện chủ trương của Bộ GTVT về việc xã hội hoá đầu tư đảm bảo ATGT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Thời gian qua, Hanel đã hoàn thành một số ứng dụng CNTT trong ngành GTVT như: Xây dựng và triển khai thành công hệ thống giám sát tải trọng phương tiện, sử dụng cân điện tử; Kết nối và triển khai thành công cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển quốc tế; Ứng dụng bản đồ số cho GSHT xe ô tô và hệ thống quản lý tuyến cố định. 

Hanel cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được triển khai toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 (đối với các dịch vụ đủ điều kiện) của Bộ GTVT. Nếu được chấp nhận, Hanel sẽ đầu tư việc xây dựng phần mềm, hạ tầng CNTT và nguồn lực hỗ trợ triển khai để thực hiện.

T.B

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.