Thời sự Quốc tế

Xác định đối đầu dài hơi với Trung Quốc, Mỹ khắc phục điểm yếu chí cốt

25/02/2021, 16:41

Những động thái mới nhất từ chính quyền Mỹ cho thấy nước này đang củng cố năng lực, chuẩn bị cho cuộc đối đầu dài hơi với Trung Quốc.

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh giải quyết vấn đề thiếu chip bán dẫn

Hạn chế hợp tác với những quốc gia "không thân thiện"

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký một sắc lệnh giải quyết tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu vào sáng nay (25/2) đồng thời tìm kiếm khoảng 37 tỉ USD để thực hiện dự luật tăng cường sản xuất chip tại Mỹ.

“Tôi đã chỉ đạo các quan chức cấp cao trong chính quyền, hợp tác với các lãnh đạo trong các ngành công nghiệp, xác định giải pháp để khỏa lấp thiếu hụt chip bán dẫn. Quốc hội đã ủy quyền một dự luật nhưng họ cần 37 tỉ USD để chắc chắn rằng chúng ta đủ năng lực. Tôi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ” - nhà lãnh đạo Mỹ nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.

Trong sắc lệnh vừa ký, ông Biden yêu cầu các cơ quan phải thực hiện chiến dịch rà soát lại chuỗi cung ứng cho 4 sản phẩm quan trọng, trong thời gian 100 ngày, bao gồm: chip bán dẫn, pin công suất cao cho xe điện, khoáng sản đất hiếm và dược phẩm.

Qua sắc lệnh, Tổng thống Biden nêu rõ yêu cầu, các ban ngành của Mỹ xây dựng chiến lược về chuỗi cung ứng tìm kiếm những nguồn cung bền vững và ít bị gián đoạn vì tác động của những quốc gia “không thân thiện”.

Nhiều khả năng, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là những đối tác mà chính quyền ông Biden chọn xây dựng quan hệ trong lĩnh vực sản xuất chip điện tử. Với đất hiếm, Mỹ có thể bắt tay với các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm Australia) và Mỹ La-tinh.

Ông Biden nhấn mạnh, đây là động thái nhằm tạo ra công việc được trả lương cao, giúp nền kinh tế Mỹ linh hoạt hơn, trước những mối đe dọa địa chính trị, đại dịch và biến đổi khí hậu.

Khắc phục điểm yếu chí cốt

Kế hoạch của ông Biden nhận được sự đồng tình từ các công ty sản xuất ô tô đang “cồn cào” vì thiếu hụt chip bán dẫn quan trọng, vốn đã buộc nhiều nhà sản xuất ô tô Mỹ phải cắt giảm sản lượng, dự đoán gây thua lỗ nặng tới 60 tỉ USD trên quy mô toàn cầu.

Thực tế, chip bán dẫn là công nghệ do Mỹ phát triển. Các công ty chip bán dẫn tại Mỹ chiếm 47% doanh số mặt hàng này toàn cầu nhưng năng suất sản xuất chip tại đây chỉ chiếm 12% năng suất chip toàn cầu - Hiệp hội ngành công nghiệp chip bán dẫn thống kê. Mức năng suất này đã giảm mạnh từ 37% trong năm 1990.

Sắc lệnh của ông Biden còn được các Nghị sĩ của lưỡng đảng ủng hộ vì là hành động chứng minh nỗ lực của chính quyền ông Joe Biden nhằm tăng cường khả năng cắt đứt sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Thực tế, dù hướng đến tăng cường sản xuất chip nhưng sắc lệnh ông Biden đưa ra chưa thể giải quyết vấn đề thiết hụt nguồn nguyên liệu trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, nó sẽ giúp Mỹ không còn bị động trong trường hợp mối quan hệ với Trung Quốc tiếp tục xấu đi.

Bắc Kinh sẽ không thể coi đây là “điểm yếu chí cốt” để gây áp lực với Mỹ như thừa nhận của Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer.

“Hiện tại, sản xuất chất bán dẫn là một điểm yếu nguy hiểm trong nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Ngành công nghiệp ô tô của chúng ta đang đối mặt với tình trạng thiếu chip đáng kể.

Đây là công nghệ mà Mỹ đã tạo ra và chúng ta nên dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này", ông Schumer nói sau cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng chiều qua (24/2).

Mỹ đã thức tỉnh vấn đề này ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ. Trung Quốc không xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ y tế mà ưu tiên cho các bệnh viện và địa phương ở trong nước. Do đó, các khách hàng nước ngoài như Mỹ không thể tiếp cận nguồn hàng.

Chiến lược với Trung Quốc ngày càng rõ nét

img

Nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ William Burns được đề cử làm Tổng Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) khẳng định quan điểm coi Trung Quốc là thách thức chính

Việc đảm bảo nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc càng trở nên quan trọng khi chính quyền Mỹ xác định Bắc Kinh là đối thủ chiến lược.

Chiến lược cứng rắn của ông Biden với Bắc Kinh càng rõ nét hơn sau khi Tổng thống chính thức công bố đề cử nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ William Burns làm Tổng Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA).

Ông Burn, 64 tuổi, từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ hơn 30 năm, đã khẳng định quan điểm coi Trung Quốc là thách thức chính đối với Mỹ.

Ông cho rằng, cách tiếp cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “tham vọng lấn lướt” và cần sớm ngăn chặn.

Theo ứng viên Giám đốc CIA, việc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ khó hơn rất nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh khi đối thủ của Mỹ là Liên Xô.

Bởi, “Trung Quốc là đối thủ có tham vọng đặc biệt về công nghệ và có năng lực về kinh tế” - ông Burn nhận định trong bài phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Tình báo thượng viện Mỹ để được xem xét phê chuẩn cho vị trí mới.

Ông nhấn mạnh: Vượt qua Trung Quốc là việc quan trọng với an ninh quốc gia Mỹ trong nhiều thập niên tới, đòi hỏi chiến lược dài hơi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.