Lo ngại đường Nguyễn Trãi thêm quá tải
Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, TP Hà Nội cho biết phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, có 2 nhà máy lớn gồm cao su Sao vàng, thuốc lá Thăng Long, xà phòng Hà Nội thuộc diện di dời. Sau đó, nơi đây sẽ xây các khu đô thị với quy mô dân số dự kiến 46.000 người.
Phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, cũng có nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông và giày Thượng Đình thuộc diện di dời. Sau khi di chuyển các cơ sở này, nơi đây được xây dựng các khu đô thị, dự kiến quy mô dân số 48.000 người.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên gia về giao thông đô thị, bày tỏ việc xây dựng khu đô thị quy mô tới 94.000 dân trong một khu vực đang quá tải dân số sẽ khiến đường Nguyễn Trãi quá tải. Bà Thủy cho rằng cơ quan quản lý cần cân nhắc, tính toán hài hòa, tránh để giao thông vốn ùn tắc lại thêm ùn tắc.
Thông tin với Báo Giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, để tránh chồng chéo quy hoạch nhà ở và giao thông, các nội dung liên quan việc xây dựng đều được gửi cho các sở, ngành để cho ý kiến. Đến nay, Sở GTVT chưa nhận được văn bản yêu cầu góp ý liên quan đến xây dựng các khu đô thị quy mô 94.000 dân sau khi di dời loạt nhà máy khu "cao - xà - lá".
Cần ưu tiên không gian xanh, công cộng
Những năm qua, không ít nhà máy ở Hà Nội sau khi di dời được thay vào đó là những chung cư cao tầng đã khiến những con đường cận kề trở lên ngột ngạt.
Như đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, dài khoảng hơn 1km có hàng loạt tòa chung cư cao tầng. Tại số 82 Nguyễn Tuân, sau khi di dời năm 2011, Xí nghiệp xe đạp Thống Nhất liên doanh với Công ty TNHH phát triển Bắc Việt (góp 30% vốn thành lập Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt) để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000m2. Dự án có 2 khối chung cư cao 25 tầng với hơn 500 căn hộ.
Đối diện là dự án 90 Nguyễn Tuân, một tổ hợp chung cư, văn phòng mọc trên quỹ đất vốn là nhà máy dệt Mùa Đông, với quy mô 4 tòa cao từ 27-35 tầng với hơn 1.500 căn hộ.
Dẫn tên các dự án này trong báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô, Bộ Tư pháp khẳng định việc di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời một số cơ quan, tổ chức ở Hà Nội chưa thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng. Điều này đã tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.
Nhiều ý cho rằng, cần ưu tiên quỹ đất vốn là các nhà máy đã di dời thành không gian cây xanh, công cộng, phục vụ đời sống dân cư. Theo PGS.TS.KTS Lê Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, các nhà máy cũ sau khi di dời cần chuyển đổi thành không gian sáng tạo, công viên, cây xanh nhằm cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân Hà Nội, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị.
Trong số hơn 100 nhà máy, cơ sở công nghiệp đã và đang được di dời khỏi nội thành Hà Nội từ năm 2019 có những công trình có tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử. Theo ông Quân, những khu vực này rất phù hợp để xây dựng các di tích có không gian văn hóa sống động.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, cũng cho rằng quỹ đất sau khi di dời nhà máy phải được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật và không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng. Cần phải có văn bản dưới luật để khẳng định sau khi di dời, doanh nghiệp cần giao lại khu đất tại cơ sở cũ cho thành phố.
Còn KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng cần xây dựng một quy định riêng về việc xử lý những vi phạm liên quan đến quy hoạch, phát triển nhà cao tầng. Nếu tiếp tục xu hướng chuyển đổi đất nhà máy, đất công cộng thành cao ốc, chung cư thì Hà Nội sẽ còn nhiều tuyến đường "đau khổ".
Theo Quyết định 130 ngày 23/1/2015 của Thủ tướng, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe... không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô, Bộ Tư pháp đã chỉ ra, công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời một số cơ quan, tổ chức ở Hà Nội chưa thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng. Điều này đã tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.
Như đường Nguyễn Trãi trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của nhà máy dệt Mùa Đông, xe đạp Thống Nhất, xe buýt Hà Nội... Nay là những dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn...
Trước thực trạng trên, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và Hà Nội thực hiện nghiêm Quyết định 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận