Đô thị

Xe buýt Hà Nội: Kết nối với 7 tỉnh thành, mở mới 11 tuyến

27/02/2023, 16:00

Mạng lưới xe buýt Hà Nội đến nay kết nối với 7 tỉnh thành lân cận gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cho biết: Tính đến hết năm 2022, mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố gồm 154 tuyến (trong đó: 132 tuyến buýt trợ giá, 08 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour).

img

Hà Nội mở thêm nhiều tuyến buýt điện kết nối với các tỉnh thành lân cận - Ảnh minh hoạ

Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; 512/579 số xã, phường, thị trấn; 65/75 bệnh viện; 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch đạt 92%.

Đáng chú ý, đến nay mạng lưới xe buýt đã kết nối với 7 tỉnh thành lân cận gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Sản lượng VTHKCC bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách (tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021), trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách, tăng 72% so với thực hiện cùng kỳ 2021.

Theo ông Phương, mạng lưới xe buýt tiếp tục được phát triển, điều chỉnh hợp lý hóa để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Trong năm 2022, đã thực hiện mở mới thêm 11 tuyến buýt (5 tuyến buýt kết nối với đường sắt 2A và 6 tuyến xe buýt điện); điều chỉnh lộ trình, dịch vụ đối với 82 tuyến buýt (trong đó, theo tổ chức giao thông 55 tuyến buýt; hợp lý hóa lộ trình, mở rộng vùng phục vụ 12 tuyến buýt; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe 15 tuyến buýt).

Với việc mở mới và điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình tuyến đã nâng tổng số xã, phường, thị trấn có xe buýt phục vụ từ 510/579 xã, phường năm 2021 lên 512/579 xã, phường năm 2022 (tăng 2 xã Phú Sơn, Duyên Thái), góp phần thu hút thêm lượng hành khách sử dụng xe buýt tại các khu vực chưa có buýt trợ giá hoạt động.

Hạ tầng xe buýt tiếp tục được quan tâm và đầu tư phát triển, trong năm đã phát triển mới 163 điểm dừng, 14 Pano, hợp lý hóa 26 điểm dừng, thực hiện trên 1.500 lượt duy tu duy trì, bổ sung thông tin pano, biển báo.

Hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn Thành phố đến nay bao gồm 4.405 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 127 điểm đầu cuối và 12,9 km đường dành riêng cho xe buýt (12,6km làn đường dành riêng cho xe BRT và 0,3km làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ) đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới, đảm bảo an toàn cho phương tiện và hành khách.

Phương tiện xe buýt tiếp tục được đơn vị vận hành đầu tư, thay mới để nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong năm đã thực hiện đầu tư và thay mới 217 xe buýt đối với 25 tuyến, đưa thêm 97 xe buýt điện và 37 xe buýt CNG vào hoạt động, nâng tổng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch lên 276 xe (chiếm 13,6%).

Đến hết năm 2022, số phương tiện toàn mạng là 2.288 xe (buýt trợ giá là 2.033 xe), tất cả các xe đều trang bị hệ thống giám sát hành trình (GPS), camera giám sát trên xe, hệ thống tự động báo điểm dừng, đèn LED,...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.