Cho xe điện chở khách trong nội đô TP.HCM, nên hay không?
Bài 1: Vì sao đề xuất phát triển xe điện ở trung tâm?
Bài 2: Xe sản xuất ở đâu, phục vụ những ai?
Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ đối tượng phục vụ của loại xe điện 4 bánh trong nội đô TP.HCM là những ai, giải pháp đảm bảo an toàn ra sao...
Cần làm rõ đối tượng phục vụ
Tại văn bản góp ý đề án thí điểm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng cần làm rõ đối tượng phục vụ để xác định nhu cầu, mục tiêu cụ thể và phương thức hoạt động phù hợp.
Phương tiện hoạt động phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kỹ thuật phương tiện, đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe và người tham gia giao thông theo quy định.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị, việc phân tích rõ đối tượng phục vụ, loại hình phương tiện sử dụng trong đề án có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi, TP.HCM đã từng có đề án xây dựng hệ thống xe minibus để trung chuyển hành khách từ các khu dân cư, đường nhỏ ra các bến xe buýt, tàu điện ngầm.
Cụ thể, với những đường hẻm có chiều rộng từ 3 - 6m sử dụng loại xe từ 12 chỗ. Đối với những đường hẻm từ 7m-9m sử dụng xe từ 17 – 29 chỗ.
Đề án này đã được Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM thẩm định và chấp thuận, sở GTVT TP.HCM và HĐND TP.HCM thông qua và đã gửi Bộ GTVT đề nghị thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2021.
Tuy nhiên, theo Nghị đinh 10/2020 thì xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải đáp ứng sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Vì thế đề án đang được điều chỉnh.
Cũng theo vị chuyên gia, cần làm rõ phương tiện này là loại hình chở khách du lịch trong các khu vực hạn chế (khu du lịch, khu dân cư mật độ giao thông thấp…) hay là phương tiện công cộng trên đường phố với mật độ giao thông cao giống như minibus.
"Bởi nếu là minibus thì phải đảm bảo một số yếu tố cơ bản như xe phải trên 17 chỗ, có vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác về cửa lên xuống, thùng xe kín, an toàn… theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT", vị chuyên gia nói.
Lo mất an toàn, gây ùn tắc
Đối với các vị trí điểm đón, trả khách, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng cần đầu tư lắp đặt biển báo trên các tuyến đường; tổ chức giao thông; đề xuất cắm biển hạn chế tốc độ trên các tuyến đường lưu thông hỗn hợp giữa xe tải, xe khách và xe điện bốn bánh để đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với lượng pin sạc, các tụ sạc pin khi hư hỏng, cần bổ sung phương án quản lý bảo trì bảo dưỡng, thu gom, vận chuyển và xử lý.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng cho rằng, đề án thí điểm cần sử dụng các xe đã được đăng ký, cấp biển số theo quy định tại Thông tư 58/2020 của Bộ Công an. Đồng thời, phải thực hiện kiểm tra lưu hành an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo Thông tư 86/2014 của Bộ GTVT.
Theo một chuyên gia, hiện nay xe buýt điện loại dưới 14 chỗ chỉ được cấp phép để chở khách du lịch tham quan tại các công viên, khu vực giải trí hay ở trong các nhà máy, tốc độ di chuyển rất chậm (dưới 12km/h). Hệ thống cửa lên xuống không có, các hệ thống phanh, lái, hệ thống tín hiệu ở mức đơn giản tối thiểu vì tốc độ chậm.
Trong khi đó, loại xe điện từ 5 – 14 chỗ được cấp phép lưu thông trên đường phố, giữa dòng giao thông hỗn hợp với các thành phần giao thông khác, tức là như một phương tiện vận tải hành khách công cộng tiêu chuẩn.
Vì vậy, cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết theo quy định hiện nay với phương tiện minibus.
"Khi không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ GTVT, loại xe này có nguy cơ rất cao gây mất an toàn giao thông cho hành khách ngồi trên xe và cho các phương tiện khác tham gia giao thông trên đường.
Mặt khác, với tốc độ lưu thông chậm, loại phương tiện này có thể là một tác nhân dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ ở khu vực trung tâm thành phố", chuyên gia nêu ý kiến.
Thông tin về những ý kiến góp ý của các thành viên UBND TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT cho biết, đề án xác định đối tượng khách mà các phương tiện này hướng đến phục vụ là khách tham quan, du lịch.
Phương tiện phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật theo quy định tại Thông tư 86/2014 của Bộ GTVT về quy định điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ.
Xe ô tô điện 4 bánh sản xuất ở đâu?
Về những ý kiến phản biện của các ngành chức năng, đại diện Công ty TNHH Saigon Public Transport - chủ đầu tư khẳng định đối tượng phục vụ của xe điện chủ yếu là du khách, không phải là hành khách công cộng, đi làm việc hàng ngày. Bởi với giá vé thấp nhất 10.000 đồng, không thể cạnh tranh với xe buýt hiện nay đang trợ giá rất thấp cho học sinh, sinh viên, người lao động.
Lộ trình di chuyển cũng không phải từ công sở về nhà, bởi xe này chủ yếu chạy qua các điểm du lịch, tham quan. Chẳng hạn từ Nhà hát Thành phố đi Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Dinh Độc Lập, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, hay các nhà hàng, khách sạn trong phạm vi hoạt động.
Về vấn đề xe ô tô điện 4 bánh này được sản xuất từ Trung Quốc hay nhập từ nước nào, tiêu chuẩn kỹ thuật ra sao, chủ đầu tư cho biết, tất cả các phương tiện đều được lắp ráp tại nhà máy ở Bình Dương. Phụ tùng có thể được nhập khẩu từ nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
"Các phương tiện sau khi sản xuất được đăng ký biển số, tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm định định kỳ, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường mới được đưa vào hoạt động", vị này nói và cho biết thêm các xe điện này được thiết kế riêng, không giống như các xe điện phục vụ trong các khu du lịch.
Xe này có vách kính cứng che mưa che nắng, không phải loại xe không có vách ngăn như ở Vùng Tàu, Đà Nẵng, Sa Pa…; có hệ thống cửa lên xuống, trên mỗi vị trí ghế ngồi đều có dây an toàn.
"Thực ra loại xe điện này cũng gần giống như xe taxi loại 7 chỗ", đại diện chủ đầu tư nói và cho biết thêm, tốc độ lưu thông tối đa của phương tiện có thể lên đến 60km/h, nhưng sẽ sử dụng phần mềm để giới hạn 30km/h khi chạy trên phố để đảm bảo phù hợp với tốc độ lưu thông của các phương tiện ở khu vực nội đô, không làm cản trở dòng lưu thông.
Pin của loại xe điện này cũng giống như các xe điện đang hoạt động, đảm bảo về môi trường. Về phương án quản lý, bảo trì, bảo dưỡng, thu gom, vận chuyển và xử lý pin sạc, tụ sạc pin, chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng với một đơn vị chuyên nghiệp có chức năng theo quy định của pháp luật để xử lý, đảm bảo vấn đề môi trường.
"Chúng tôi đang làm việc với các khách sạn, khu du lịch để đưa khách vào sảnh của các khách sạn, không dừng ngoài đường để tránh ùn tắc", vị này nói.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng quản lý vận tải (Sở GTVT TP.HCM) cho biết theo quy định, TP.HCM là một trong 35 địa phương được thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế.
"Sở ủng hộ đề xuất thí điểm của doanh nghiệp và đã có văn bản gửi UBND TP về ý kiến đóng góp của các sở ngành. Đơn vị khai thác xe điện muốn đưa vào hoạt động trước Tết để phục vụ người dân nhưng không kịp, nên sẽ lùi lại thời gian khai trương", ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, TP.HCM đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển giao thông xanh, do đó, xe điện đi vào hoạt động góp phần giảm khí thải, ô nhiễm môi trường, người dân có thêm lựa chọn đi lại tại các điểm du lịch, tham quan, khu thương mại…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận