Sở GTVT Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo quy định quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Theo quy định này, kể từ ngày 1/1/2021 người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn TP Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp trên ngực áo bên trái.
Cùng đó, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ phải đủ 15 tuổi trở lên, có sức khỏe bảo đảm điều khiến xe an toàn; Hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ; Đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn đế được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển). Khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có hộ khấu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú tại địa phương nơi đăng ký hành nghề; có bản đăng ký vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa; có biển hiệu do UBND cấp xã, phường cấp hoặc có trang phục do tổ chức của người hành nghề (tổ, đội tự quản, nghiệp đoàn, hợp tác xã) đăng ký với địa phương.
"Trường hợp người vận chuyển không hành nghề từ 30 ngày trở lên, phải gửi lại phù hiệu cho đơn vị quản lý. Nếu mất phải có công văn báo mất có xác nhận của công an câp xã, phường, thị trấn và báo cáo cho đơn vị quản lý biết để được hướng dẫn cấp lại biến hiệu", dự thảo quy định nêu.
Cũng theo quy định, khi vận chuyển hàng hóa xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe; không được vượt quá 0,4m về mỗi bên bánh xe. Khi xếp hàng vượt phía trước và phía sau xe, ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi tối trời phải có đèn đỏ báo hiệu. Vị trí treo cờ báo hiệu màu đỏ hoặc đèn đỏ báo hiệu gắn tại nơi hàng xếp vượt ra ngoài phía trước và phía sau để dễ nhận biết.
Theo Sở GTVT, mục đích xây dựng dự thảo quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; Tạo dựng nếp sống, thói quen đi lại theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát triển đô thị của Thủ đô. Đồng thời, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân đô thị, kéo giảm TNGT; Tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận