Thị trường

Xóa sổ kiểu “kiếm ăn” làm phiền người khác

04/10/2020, 06:06

Quy định chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ 1/10 liệu có chấm dứt sự phiền hà cho người sử dụng điện thoại di động bấy lâu nay?

img
Nhiều người dùng điện thoại cảm thấy rất phiền hà khi phải nhận được những cuộc gọi, tin nhắn rác. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Đang ngồi họp hay bận tối mắt tối mũi, bất kể ai cũng có thể bị làm phiền khi nhận được một cuộc gọi, tin nhắn mời chào vay tiền, mua nhà, tham gia khóa học, hội thảo... Quy định chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1/10, liệu có chấm dứt sự phiền hà này?

Cuộc gọi rác được định danh xử lý!

Ngay trong buổi cho con đi học trải nghiệm tại trung tâm dạy kỹ năng sống, chị Lê Thị Huyền (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) đã không ngần ngại điền vào phiếu thăm dò ý kiến do nhân viên trưng ra. Chăm chăm trả lời những câu hỏi về tính cách, năng lực, sở thích, sở đoản của con… chị Huyền không hề biết chính thông tin về cá nhân mà mình để lại như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email… đều là những thứ “kiếm ra tiền” cho “cò thông tin”.

Trong thời gian dài sau đó, chị Huyền liên tục nhận được cuộc gọi chào mời từ các trung tâm giáo dục khác nhau. “Có khi đang bận lại nhận cuộc gọi từ số lạ hỏi han sức khỏe chán chê mới biết là nhân viên tư vấn…”, chị Huyền chia sẻ.

Những khách hàng lâu nay chịu “tra tấn bởi cuộc gọi trên trời” như chị Huyền giờ đây đang hy vọng vào Nghị định số 91 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác của Chính phủ đã có hiệu lực từ 1/10.

Theo đó, cuộc gọi rác được xác định là cuộc gọi quảng cáo không được sự đồng ý trước của người nhận, hoặc vi phạm quy định về gọi điện thoại quảng cáo với các nội dung bị cấm. “Chỉ tới khi Nghị định 91 ra đời, cuộc gọi rác mới được định danh và có cơ chế xử lý”, ông Đặng Huy Hoàng, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) nhấn mạnh.

Để phục vụ người dân, Bộ TT&TT đã vận hành hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác trên đầu số 5656. Khi phát hiện tin nhắn hoặc cuộc gọi quảng cáo làm phiền, người dân có thể chuyển tiếp nội dung tới đầu số trên để cơ quan chức năng xác minh và xử lý.

Mặt khác, Nghị định 91 cũng quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, phải hướng dẫn người sử dụng dịch vụ về cách thức chống và cung cấp cho người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Sau khi nhận phản ánh, nhà mạng phải vào cuộc xử lý và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Nghị định 91 quy định cả hình thức xác nhận của khách hàng có đồng ý nhận quảng cáo hay không. Ngay cả khi trường hợp khách không tương tác cũng được hiểu là không muốn nhận quảng cáo, tránh trường hợp đơn vị quảng cáo gây phiền hà bằng hết tin nhắn này tới tin nhắn khác. Bên cạnh đó, nhà mạng phải có hệ thống kỹ thuật hỗ trợ hướng dẫn cho người dùng cách thức hoặc lưu vết đã đăng ký nhận quảng cáo hay chưa. Danh sách khách hàng không nhận quảng cáo cũng phải được nhà mạng cập nhật thường xuyên. Đơn vị quảng cáo khi gọi điện hay nhắn tin phải kiểm tra thuê bao có nằm trong danh sách này hay chưa, nếu cố ý gửi sẽ bị coi là vi phạm”, ông Hoàng phân tích.

Về phía các doanh nghiệp quảng cáo phải làm hồ sơ xin cấp định danh trong vòng 90 ngày kể từ khi Nghị định 91 có hiệu lực. Sau đó, đầu thuê bao muốn quảng cáo phải sử dụng tên định danh, không được phép sử dụng thuê bao thông thường, nếu không thực hiện sẽ bị xử lý với mức phạt từ 80-100 triệu đồng đối với cá nhân và 140-170 triệu đồng đối với tổ chức.

“Cuộc gọi quảng cáo phải hiển thị tên định danh để khách hàng chủ động bấm nghe hoặc từ chối luôn đỡ mất thời gian”, ông Hoàng chia sẻ cách phân biệt cuộc gọi rác.

Trước đó, để “tập dượt” cho Nghị định 91, ngay từ tháng 7, các nhà mạng đã đồng loạt triển khai hệ thống kỹ thuật thông minh để sàng lọc, chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, tổng số thuê bao phát tán cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng đã bị ngăn chặn trong tháng 7 và tháng 8 vào khoảng hơn 18.300 thuê bao. Trong đó, có tới 90% thuê bao của mạng Viettel, còn lại Vinaphone 8% và Mobifone 2%.

Lo ngại “siết đầu này, phình đầu kia”

Trước tình hình trên, giới trong nghề chào bán hàng qua điện thoại (telesales) cho hay “đã nắm trước và chuyển đổi xu thế”. “Gần đây, hình thức tin nhắn sms, cuộc gọi trực tiếp giới thiệu sản phẩm cũng không đạt hiệu quả. Dù chặn thuê bao này có thể dùng thuê bao khác song lâu dài vẫn gặp khó khăn. Tuy nhiên, bằng cách cập nhật dữ liệu thông tin liên tục, chúng tôi giờ đây có thể kết nối với khách hàng qua nhiều kênh khác nhau như chat hoặc gọi qua ứng dụng OTT (Viber, Zalo, Skype...)”, một telesales chia sẻ.

Nghị định 91 không hề hạn chế mà là biện pháp kích cầu đưa người quảng cáo gặp đúng đối tượng mong muốn nhận quảng cáo. Nghị định cũng đã bỏ thủ tục cấp mã số quản lý, chỉ quản lý duy nhất thông qua tên định danh đối với hình thức quảng cáo. Thay vì phải vác 5 hồ sơ tới 5 nhà mạng khác nhau thì giờ đây, doanh nghiệp quảng cáo chỉ cần 1 bộ hồ sơ trình lên Bộ TT&TT xin cấp định danh. Đây được coi là giấy thông hành của doanh nghiệp tới các nhà mạng đăng ký quảng cáo.
Ông Đặng Huy Hoàng, Cục An toàn thông tin


Tương tự, theo T., một nhân viên kinh doanh của công ty chuyên cho vay tiêu dùng, chiêu gọi điện nhắn tin “đánh phủ” giờ đây đã trở nên quá thô thiển và bị nhà mạng chặn hoặc cho vào spam (tin rác). Một nhân viên sale (bán hàng) tốt phải biết tự thu thập thông tin khách hàng bằng nhiều kênh khác nhau.

Cụ thể, trong ngành cho vay tiêu dùng, những nhân viên như T. được giao tiếp cận trung tâm mua sắm, các cửa hàng bán hàng trả góp để xin được số điện thoại khách như ý.

“Có danh sách rồi vẫn chưa đủ bởi hiện nay, vay tiền qua dịch vụ tài chính quá dễ, chỉ cần đăng ký số điện thoại. Do đó, cần có dữ liệu để phân tích đối chiếu xem có phải sim rác hay chính chủ, dùng được bao lâu, mức cước hàng tháng là bao nhiêu, có bị nợ cước hay không…?”, T chia sẻ và bật mí: “Dữ liệu đối chiếu bằng nhiều cách sẽ được tuồn ra cho công ty vay tài chính. Dạng này phải có mối quan hệ thân thiết chứ không thể mua bình thường mà có”.

Về phía các nhà mạng, chia sẻ với PV Báo Giao thông, đại diện Vinaphone cho biết, qua hệ thống theo dõi kiểm soát tin nhắn rác, thu thập thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng, tính từ đầu năm 2020 đến nay đã chặn là 9,5 triệu tin nhắn rác.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng thừa nhận thực trạng các đơn vị phát tán tin nhắn rác/ cuộc gọi rác thường xuyên thay đổi hành vi để tránh bị nhà mạng chặn.

“Đây là một quá trình dài cần sự phối hợp của các nhà mạng, sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ TT&TT để đáp ứng được những diễn biến thay đổi liên tục từ phía đơn vị vi phạm”, đại diện nhà mạng nói.

Trước tình trạng trên, ông Đặng Huy Hoàng cho hay, trong quá trình thực hiện Nghị định 91, ngay khi chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp bằng các văn bản chỉ đạo điều hành. Khẳng định mục tiêu lớn nhất của Nghị định 91 là “xóa sổ” tin nhắn rác, cuộc gọi rác gây phiền cho người dân, song vị chuyên gia cũng tỏ ý lo ngại vấn đề “siết chỗ này lại phình chỗ khác”.

“Thay vì hình thức sms, tin nhắn quảng cáo lại đang biến tướng sang nhiều hình thức khác. Cụ thể, giai đoạn gần đây, tin quảng cáo dưới dạng OTT (viber, facebook, zalo, skype…) đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, hình thức này lại không được đưa vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định 91”, ông Hoàng nói và cho biết, đối tượng, cách thức hoạt động của nền tảng OTT rất phức tạp. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, xây dựng nội dung quản lý tương tự Nghị định 91 cho đối tượng tin nhắn cuộc gọi dưới dạng OTT.

“Ngăn chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài cần có biện pháp quản lý dữ liệu cá nhân. Bộ Công an đang xây dựng dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chỉ khi nghị định này ra đời và có hiệu lực, mới có đầy đủ quy định phục vụ công tác quản lý, xử phạt hành vi sai phạm”, ông Hoàng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.