Tối ngày 05/10, tại điểm đón, hỗ trợ đồng bào miền Nam về quê tránh dịch ở Cầu Bến Thủy 2, có cả nghìn lượt người đổ về. Giữa cơn mưa tầm tã là hình ảnh những em nhỏ cùng bố mẹ trên hành trình di cư tránh dịch. |
Dòng người nườm nượp đổ về giữa đêm mưa, lực lượng chức năng phải dựng cả chục chiếc lều bạt để đồng bào trú chân. |
Thượng úy Trần Duy Phương (Đội CSGT-TT TP Vinh), đứng dưới mưa hướng dẫn người dân di chuyển đến điểm tập trung, cho biết: Hôm nay có đến cả vài nghìn lượt người về đây. Nhìn đồng bào khổ quá, anh em cũng cố gắng hết sức để mọi người được an toàn tiếp tục hành trình. |
Dù mưa như trút, nhưng chắc do quá mệt, một người phụ nữ vẫn ngồi ngủ thiếp đi, trong lúc chờ lực lượng chức năng phân loại người địa phương và về các tỉnh phía Bắc. |
Anh Hồ Huy Hải - Cán bộ phòng vận tải Sở GTVT Nghệ An cho biết: Để chuẩn bị đón, hỗ trợ đồng bào, Sở đã phối hợp với các doanh nghiệp vận tải huy động hơn chục chiếc xe buýt cùng nhiều xe giường nằm. Những người có tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người đuối sức... được ưu tiên lên xe, để lực lượng chức năng giúp người dân bớt một đoạn đường mệt nhọc. |
Những người đi xe máy bị hư hỏng, xịt lốp sẽ được hỗ trợ chở đi bằng xe tải, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. |
Trong đoàn người về quê, có những em nhỏ. Trong ảnh là 2 con (3 tuổi và 5 tuổi) của chị Mùa Thị Vang. Từ ngày 2/10, cả nhà chị Vang lên xe máy từ Bình Dương về quê ở Sơn La. Do hết tiền nên đi đường ai cho gì thì ăn nấy. Tối mệt ngủ ven đường. Đêm qua trời mưa, có anh thấy có cháu nhỏ nên mở cửa cho ngủ nhờ ở đầu nhà. |
Anh Lò Mí Dính (29 tuổi) chở vợ và 2 con (5 tuổi và 3 tuổi) trên hành trình từ Bình Dương về Hà Giang lo lắng nói: Dịch bệnh 2 vợ chồng thất nghiệp nên đành kéo nhau về quê. Về giờ nhà cũng không còn ai, nhưng ít ra vẫn có hi vọng sống tiếp. |
Chị Vừ Y May và con 11 tháng tuổi đang đứng chờ chồng đi xe máy phía sau. Chị May là người Mông, nói tiếng Kinh chưa rõ. Sơ bộ thì cả nhà sống trong Bình Dương bằng đồng lương công nhân đóng gói sản phẩm của chồng. Hết tiền cả nhà cùng nhau đi xe máy về huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Khi đi đến Huế, người ta thấy có con nhỏ nên ưu tiên cho chị lên xe chở ra, còn chồng đi xe máy, giờ chưa biết đến đâu. |
Còn Hờ Y Say (16 tuổi) địu con 5 tháng tuổi đội mưa đi quanh chốt tìm chồng và hỏi xe để được về Kỳ Sơn (300km nữa). Say nói: trước ở nhà khổ quá theo chồng vào Đồng Nai, giờ trong đó không sống nổi nên mới đưa con về. 3 ngày đi đường cháu khóc nhiều. |
Nhìn những đứa trẻ chưa tròn tuổi phải theo bố mẹ vượt ngàn cây số trên hành trình về quê tránh dịch khiến ai cũng thấy xót xa. |
Ngồi lâu trên xe máy đi cả ngàn cây số, người lớn còn mệt, những đứa trẻ thì khóc lóc đòi xuống xe. |
Lái xe buýt của hãng Thạch Thành - anh Nguyễn Mạnh Hùng (1984, quê Diễn Thịnh, Diễn Châu) nói: Em thất nghiệp đã 5 tháng, còn vợ làm may, 2 tháng nay cũng ở nhà. Thấy đồng bào lao động ở miền Nam đi về khổ quá nên em tình nguyện lên công ty nhận đi lái xe trung chuyển. Khi đi vợ cũng lo vì nhà còn 2 con nhỏ, mình lại tiêm vaccine chưa đủ mũi nhưng ý em đã quyết, vợ không cản được. |
Dịch Covid-19 đã khiến bao người tạm gác giấc mơ thoát nghèo ở chốn phồn hoa phố thị mà lên đường trở về quê tìm cuộc sống bình an. |
Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An - ông Nguyễn Văn Hải đội mưa hướng dẫn người dân di chuyển theo phương án tỉnh đã chuẩn bị. |
Để giúp đỡ người dân trên hành trình về quê tránh dịch, tỉnh Nghệ An đã quyết định huy động thêm 3 bệnh viện dã chiến và 3 khách sạn ở Tx Cửa Lò để làm nơi cách ly tập trung. Và dù ngân sách hạn hẹp, tỉnh này vẫn quyết định hỗ trợ ở mức tối thiểu các suất ăn hàng ngày cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở khu cách ly. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận