Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính có thể khiến quan chức không dám tham nhũng. Đây là biện pháp “cứng rắn” để triệt phá tham nhũng từ trong “trứng nước”.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp sẽ triệt tham nhũng từ trong “trứng nước”
Quan chức sẽ không dám tham nhũng?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, đơn vị này đang chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Đề án “Nghiên cứu vấn đề xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp” để trình Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
“Trên cơ sở nghiên cứu về Công ước phòng chống tham nhũng, chúng tôi đã nghiên cứu các khả năng để đảm bảo việc phòng chống tham nhũng tốt hơn, không bỏ lọt tội phạm tham nhũng và chống thất thoát, tẩu tán tài sản tham nhũng mà có”, lãnh đạo Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho hay.
Theo đó, trường hợp tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ mà khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, họ không giải thích được một cách hợp lý về sự tăng đáng kể đó thì sẽ là tội làm giàu bất hợp pháp, phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định tội chứa chấp, hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội hợp pháp hóa tiền tài sản do phạm tội mà có.
Tuy nhiên, cả hai tội này, tòa muốn kết tội đều phải chứng minh hành vi phạm tội nguồn. Nếu không chứng minh được thì không thể xử lý hành vi giàu lên nhanh chóng mà không chứng minh được nguồn gốc.
Còn như đề án của Bộ Tư pháp, khi công chức không thể giải thích hợp lý về tài sản gia tăng nhanh chóng của mình thì đã là tội hình sự. Quy định này nếu được áp dụng sẽ là “phương thuốc hữu hiệu” để chống lại tội phạm tham nhũng.
Việc xử lý cán bộ, công chức không kê khai tài sản trung thực ở Việt Nam đã được quy định cụ thể trong Luật Phòng chống tham nhũng, tuy nhiên, chỉ dừng lại ở việc kỷ luật hành chính. Do đó, cần phải sớm nghiên cứu vấn đề xử lý tài sản bất minh, hành vi làm giàu bất chính.
Tuy nhiên, việc xử lý hình sự hay tịch thu tài sản thì phải xem xét các quy định pháp luật liên quan, xem có phù hợp với Hiến pháp, quyền con người, quyền sở hữu tài sản của công dân… Trước khi thực hiện hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính thì nên chăng chúng ta chuẩn bị các quy định liên quan về việc kê khai và đăng ký tài sản. Chẳng hạn như ban hành Luật Đăng ký tài sản, buộc quan chức và người dân phải đăng ký để sau này số tài sản đó biến động như thế nào đều có thể kiểm soát được. Tài sản hợp pháp sẽ được bảo vệ còn tài sản bất hợp pháp không đăng ký sẽ có thể bị tịch thu.
Ông Bùi Văn Xuyền, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khóa XIV
Ủng hộ đề án này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc hình sự hoá hành vi làm giàu bất chính sẽ khiến cán bộ không dám tham nhũng.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho rằng, đề án cần đưa ra quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Chẳng hạn như tịch thu toàn bộ tài sản tăng thêm mà cán bộ, công chức không giải trình hợp lý.
Nhiều nước trên thế giới đã làm
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, trên thực tế có rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện khuyến nghị của Công ước Liên hợp quốc trong thực hiện hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính.
Còn ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 7 tội danh về tham nhũng (từ Điều 353 đến Điều 359).
Ngoài ra, còn quy định một số tội phạm hoặc tình tiết định khung tăng nặng hình phạt ở một số tội phạm khác để thể hiện đầy đủ các hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng.
“Tuy nhiên, việc chứng minh tài sản do tham nhũng mà có không hề đơn giản, nên hiện rất khó đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Còn nếu hình sự hành vi làm giàu bất chính, thì chỉ cần không chứng minh được tài sản gia tăng đột biến là có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Hậu nói.
Theo luật sư Hậu, nhiều nước trên thế giới đã hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính và có những biện pháp mạnh mẽ cho việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Như ở Singapore, việc người nào sở hữu nguồn tiền hoặc tài sản không phù hợp với nguồn thu nhập của họ mà không thể giải trình, có thể được coi là bằng chứng rằng họ đã nhận tiền hay tài sản đó bằng cách tham ô hay nhận đút lót dưới dạng tiền thưởng. Tòa án cũng có thể tịch thu tiền và/hoặc tài sản như vậy.
Còn luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, cần bổ sung các tội phạm liên quan đến tài sản bất minh vào Bộ luật Hình sự, hoặc ít nhất là tịch thu toàn bộ tài sản không chứng minh được đối với không chỉ cán bộ, công chức Nhà nước mà còn cả ở khối tư nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận