Hỏi - Đáp

Xử lý thế nào khi trùm bảo kê, đòi nợ thuê là bệnh nhân tâm thần?

02/06/2021, 14:10

Theo luật sư, người tâm thần phạm tội vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

img

Luật sư Nguyễn Thiện Hiệp (Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tâm)

Liên quan đến vụ việc đối tượng Nguyễn Việt Dũng (tức Dũng "ốt", SN 1982, trú ở phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng 6 đàn em bị bắt giữ về hành vi cho vay lãi nặng, hiện cơ quan CSĐT bước đầu đã làm rõ, Dũng "ốt" dù có bệnh án tâm thần, đang phải điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, nhưng vẫn là ông trùm điều hành đường dây lấn chiếm bến bãi, bảo kê, tín dụng đen, cờ bạc...

Được biết, năm 2011, Dũng "ốt" là bị can trong vụ án giết người xảy ra tại địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Sau khi gây án, quá trình bỏ trốn, Dũng làm bệnh án tâm thần và nhờ có được bệnh án này, Dũng tự tin ra đầu thú mà không hề phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vì vậy, khi Dũng "ốt" bị bắt, dư luận băn khoăn việc có xử lý được khi đối tượng này vẫn đang là bệnh nhân tâm thần, phải điều trị bắt buộc?

Trao đổi với PV Báo Giao thông về nội dung này, luật sư Nguyễn Thiện Hiệp (Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tâm) cho biết, nếu trong quá trình điều tra, xác minh được nhóm của Dũng còn có các hành vi tổ chức bảo kê, đòi nợ trái pháp luật với các hình thức như nhắn tin, đe dọa, ném chất bẩn khủng bố người vay nợ, thì tùy theo mức độ, tính chất, các đối tượng có thể bị phạt hành chính.

Mức độ cao hơn, nếu đủ căn cứ thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nhóm của Dũng về tội "Cướp tài sản" theo Điều 168 và tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 170 theo Bộ luật Hình sự. Nhóm này cũng bị kết tội "Đe dọa giết người" theo Điều 133 hoặc tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.

img

Chân dung Dũng "ốt" (ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Theo tài liệu điều tra, từ năm 2014, Dũng nhiều lần rời nơi chữa bệnh, cấu kết với Ngô Quang Trung (41 tuổi, ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) và một số người khác lấn chiếm các khu đất trống cạnh một số dự án xây dựng ở các quận Bắc Từ Liêm và Tây Hồ. Sau đó, Dũng cùng các nghi phạm đặt container và dựng lán trại để kinh doanh dịch vụ trông xe.

Trong số các đàn em, Dũng trực tiếp đưa cho Trung 1 tỉ đồng để người này thay ông trùm điều hành đường dây cho vay lãi nặng với lãi suất 3.000-5.000 đồng/1 triệu/ngày.

Cùng với đó, Dũng giao cho Phan Anh Nhàn (38 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy) cầm đầu nhóm đi đòi nợ thuê. Nếu người vay tiền không trả, các nghi phạm nhắn tin, gọi điện đe dọa hoặc ném chất bẩn để "khủng bố". Toàn bộ tiền thu về được Ngô Quang Trung ghi sổ sách, chụp ảnh rồi gửi cho Dũng để báo cáo.

Luật sư Hiệp cho biết, Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, với việc Dũng "ốt" vẫn nhiều lần rời nơi chữa bệnh, cấu kết, điều hành được nhiều hoạt động vi phạm pháp luật với hình thức trắng trợn, tinh vi như trên, thì cơ quan điều tra sẽ xác minh thông tin về hồ sơ bệnh án của Dũng. Việc kết luận một người có thực hiện hành vi phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần hay không phải dựa vào kết quả giám định.

"Đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế chứ không phải mất năng lực hành vi", luật sư Hiệp nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.