Xã hội

Xuân ấm của những đứa trẻ nơi biên viễn

07/01/2023, 07:17

Bao năm qua, những trẻ em người dân tộc bơ vơ, nghèo khó đã được các cán bộ, chiến sỹ biên phòng nhận làm con nuôi.

Trong mái ấm thứ hai, các em được chăm sóc, dạy dỗ bởi tình thương và trách nhiệm của những người lính quân hàm xanh.

Điểm nương tựa của những trẻ bơ vơ

img

Thiếu tá Lê Mạnh Hợp dạy học cho hai chị em Vàng Thị Sáu và Vàng Thị Chở

Chiều cuối năm, nắng hanh vàng nhưng cái lạnh vẫn luồn lách trên từng khe núi. Thấp thoáng trong những căn nhà ven đường, hoa đào đã hé nụ hồng.

Trong căn nhà khang trang của Đồn Biên phòng Phó Bảng nằm sát chân núi thuộc huyện Đồng Văn, hai chị em Vàng Thị Sáu (SN 2007) và Vàng Thị Chở (SN 2009), ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang đi học về, tíu tít xuống bếp phụ giúp các chú bộ đội nấu ăn.

Đã 6 năm qua, Sáu, Chở và chị gái Vàng Thị Chá (SN 2004) trở thành những thành viên của Đồn Biên phòng Phó Bảng. Với các em, đây là ngôi nhà thứ hai đầm ấm, tràn ngập yêu thương.

Ba chị em Chở có cuộc sống éo le, mẹ bỏ nhà đi khi 3 em còn rất nhỏ, một mình bố gồng gánh nuôi con. Nhưng không may, năm 2014, bố các em qua đời.

Sau đám tang cha, Chá dắt 2 em về sống với bác ruột. Nhưng gia đình người bác cũng rất cơ cực. Trước tình cảnh này, Đảng ủy Đồn Biên phòng Phó Bảng đã họp bàn tìm cách giúp đỡ 3 cháu bé, nhận làm con nuôi và đưa về Đồn chăm sóc.

Khi cán bộ Đồn Biên phòng cùng chính quyền địa phương đến nhà ông Chơ, bác ruột của 3 cháu, bày tỏ mong muốn, ông Chơ không đồng ý.

Phải sau nhiều lần thuyết phục, cam kết trả các cháu về với gia đình khi các cháu đủ 18 tuổi, gia đình mới thuận lòng.

Được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, ngày 26/3/2016, đơn vị đã đón 3 cháu về Đồn nuôi dưỡng. Việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt thường ngày cho 3 chị em là trách nhiệm chung của tất cả cán bộ trong đơn vị.

Hàng tháng, mỗi cán bộ đơn vị tự nguyện đóng góp 40.000 đồng, chiến sỹ 10.000 đồng để mua đồ dùng học tập, sinh hoạt và sử dụng vào lúc các cháu ốm đau. Ngoài ra, đơn vị còn lập 1 sổ tiết kiệm để làm vốn khi các cháu trưởng thành.

Thiếu tá Lê Mạnh Hợp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phó Bảng chia sẻ: “Ngày ngày, các bố nuôi đưa đón các con đến lớp, rồi mỗi tối lại cần mẫn dạy các con học bài.

Để các con nhanh chóng hòa nhập, đơn vị thường xuyên cắt cử cán bộ hàng ngày hướng dẫn, tạo thói quen sinh hoạt trong môi trường quân đội, từ cách thức gấp chăn, màn vuông vắn đến tăng gia sản xuất như trồng rau, nuôi gà…”.

Chăm sóc như con ruột

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, 3 chị em Thò Thị Dính (SN 2005), Thò Mí Và (SN 2008), Thò Thị Xúa (SN 2011) ở thôn Má Lủng, xã Má Lé, huyện Đồng Văn được các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú (Bộ đội Biên phòng Hà Giang) đón về làm con nuôi từ năm 2016.

Ba chị em người H’Mông này có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bố mất vì bệnh tật, 15 ngày sau, mẹ cũng bỏ đi dắt theo con bò giống - tài sản lớn nhất trong nhà.

Ba đứa trẻ lớn nhất mới 11 tuổi, tiếp theo 8 tuổi, út 4 tuổi dựa vào ông bà nội ngoài 70 ốm yếu. Cuộc sống khó khăn khiến chị cả Thò Thị Dính và em trai Thò Mí Và sớm phải tham gia lao động phụ giúp gia đình. Việc học của các em đứng trước nguy cơ đứt đoạn.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu, nhân viên Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Lũng Cú là người gắn bó, dạy bảo trực tiếp hàng ngày 3 cháu nhớ lại, ban đầu, để đón được 3 đứa trẻ về Đồn không dễ bởi trong suy nghĩ của bà con dân tộc, thiếu thốn đến mấy cũng không “cho” con cháu, để ở nhà ăn ngô khoai ăn cũng lớn, học ít không quan trọng…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn đã phải bàn bạc, phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần xuống nhà gặp gia đình vận động, ông bà nội của 3 chị em Dính mới đồng ý. Để 3 cháu được chăm sóc tốt nhất,

Ban chỉ huy Đồn Lũng Cú đã thành lập tổ chăm sóc 5 người đảm trách nuôi dạy 3 cháu. Và những người lính biên phòng áo xanh quanh năm quen với sương gió biên thùy bỗng trở thành cha lẫn mẹ, chăm chút nuôi dưỡng các con nuôi như con đẻ của mình.

“Các cháu còn nhỏ, nhận thức hạn chế, chưa nói được tiếng phổ thông nhiều. Đặc biệt, các cháu là con gái, đơn vị lại chỉ có đàn ông, nên việc chỉ bảo các cháu trong nếp ăn, nếp ở có nhiều bất tiện. Đơn vị phải nhờ các chị em là vợ của cán bộ ở gần đơn vị đến động viên, tâm sự, hướng dẫn các cháu trong sinh hoạt”, Thiếu tá Dậu chia sẻ.

Niềm vui của những người cha

Về mái nhà Đồn Biên phòng Lũng Cú, Thò Thị Dính, Thò Mí Và, Thò Thị Xúa lại được đến trường, được ăn no, mặc ấm. Những đứa trẻ nhỏ thó, nhem nhuốc ngày nào dần có da có thịt, khỏe mạnh và khôn lớn.

Từ những đứa trẻ ngơ ngác, rụt rè, giờ cả 3 em đều chan hòa, gắn bó như một gia đình với những người cha áo lính.

Tương tự, về với Đồn Biên phòng Phó Bảng, ban đầu, 3 chị em Vàng Thị Chở nhút nhát, học lực yếu và không dám chơi với các bạn cùng trang lứa. Mỗi lần đưa đón các con đến trường, các bố nuôi phải tranh thủ gặp giáo viên để nắm tình hình học tập, trao đổi phương pháp kèm cặp, giúp con tiến bộ.

Với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Phó Bảng, sự tiến bộ của các con nuôi chính là niềm vui vô bờ bến. Sau hơn 3 năm ở đơn vị, các em được nhận nhiều giấy khen của nhà trường.

Vàng Thị Chá từ một học sinh trung bình khá đã phấn đấu vươn lên thành học sinh giỏi. Năm học 2019 - 2020, em còn đại diện cho trường Phổ thông dân tộc nội trú Phó Bảng đi thi học sinh giỏi Văn cấp huyện và cấp tỉnh.

Bà Sùng Thị Máy, ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, là bác của 3 chị em Chá, Sáu, Chớ cho biết: “Tôi bây giờ tuổi đã cao.

Thấy các cháu ở trên đồn cuộc sống không vất vả thì mừng lắm. Tôi mong các chú bộ đội thương lấy các cháu, động viên các cháu cố gắng học hành, sau này có việc làm”.

Thiếu tá Lê Mạnh Hợp cho biết, khi Đồn có con nuôi, không chỉ các con có cuộc sống, tương lai tươi sáng hơn, mà các con cũng mang đến tình cảm gia đình, niềm vui cho các cán bộ, chiến sỹ: “Từ lâu, các cán bộ, chiến sỹ đều coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương”, quen với cảnh sống xa gia đình, vợ con. Nhưng giờ đây, khi có tiếng nói, tiếng cười trẻ thơ, được chăm chút trẻ nhỏ, cảm giác như đang sống trong gia đình thực sự của mình vậy”.

Nhận thấy ở khu vực biên giới còn nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, năm 2016, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, triển khai chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” với quyết tâm mỗi đơn vị đón 2 - 3 học sinh về doanh trại nuôi ăn học.

Đến nay, các đồn biên phòng đang nhận nuôi 356 học sinh mồ côi, con liệt sĩ, bị tật nguyền... Trong đó, có 271 cháu sinh hoạt, học tập tại đơn vị và 85 cháu vẫn ở cùng người thân. Các em ở các đồn biên phòng được bố trí nơi ăn nghỉ, góc học tập riêng và có cán bộ phụ trách chăm sóc. Các cháu được bảo đảm toàn bộ chi phí nuôi dưỡng, sinh hoạt, học tập; được cán bộ đưa, đón về nhà trong các dịp lễ, Tết, việc gia đình...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.