Giao thông

Yên Nghĩa sẽ là bến xe hiện đại nhất miền Bắc

21/06/2016, 08:01

Tới đây, Bến xe Yên Nghĩa sẽ có thêm nhiều lợi thế khi tuyến buýt nhanh, đường sắt trên cao đưa vào khai thác.

2682111

Bến xe Yên Nghĩa sẽ có thêm nhiều lợi thế khi tuyến buýt nhanh, đường sắt trên cao đưa vào khai thác

Được đánh giá là một trong những bến hiện đại nhất miền Bắc, tới đây, Bến xe Yên Nghĩa sẽ có thêm nhiều lợi thế khi tuyến buýt nhanh, đường sắt trên cao đưa vào khai thác.

Đường sắt trên cao, buýt nhanh kết nối với bến xe

Bến xe Yên Nghĩa được khởi công xây dựng từ năm 2006, hoạt động chính thức từ năm 2010 với diện tích rộng gần 7 ha. Theo thiết kế, bến xe này có cả bến động và bến tĩnh. Trong đó, bến tĩnh rộng 14.195 m2, bến động 15.288 m2, hệ thống nhà điều hành 4.050 m2 và sân đỗ xe lưu bến là 13.800 m2, kết hợp với các công trình phụ trợ như dịch vụ ăn uống, giải khát và các dịch vụ khác phục vụ lái phụ xe và hành khách đi xe…

Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ Bến xe Yên Nghĩa, hành khách có thể tỏa đi mọi hướng của thành phố dễ dàng, giao thông nội đô không ùn tắc. Dự kiến, cuối năm 2016, hợp phần tuyến xe buýt nhanh BRT (từ Bến xe Yên Nghĩa tới Bến xe Kim Mã) sẽ được đưa vào hoạt động, đạt tốc độ trung bình khoảng 22 - 25km/h. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016.

Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội sẽ chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã. Theo đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7km, chiều rộng mặt đường dành riêng cho loại hình này khoảng 3,75m, gồm 21 nhà chờ xe buýt nằm trên dải phân cách giữa đường; 1 trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã; 1 trạm đầu cuối Yên Nghĩa và 4 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ; 1 trạm sửa chữa, bảo dưỡng trong Bến xe Yên Nghĩa. Tuyến sử dụng xe buýt dài 12m.

Một lợi thế lớn nữa của Bến xe Yên Nghĩa là dự kiến đến năm 2017, tuyến đường sắt trên cao sẽ đi vào hoạt động, đoàn tàu có điểm khởi đầu đặt tại Ga Cát Linh (Q Đống Đa), điểm kết thúc tại Ga Yên Nghĩa (Q Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai 3 - Thanh Xuân 3 - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q Hà Đông.

Đảm bảo an toàn, văn minh, thuận tiện

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Vĩnh Long, Giám đốc Trung tâm Khai thác Bến xe Hà Nội, đơn vị trực tiếp quản lý Bến xe Yên Nghĩa cho biết, đặc thù riêng của bến xe là được kết nối với thành phố bằng rất nhiều tuyến xe buýt trợ giá và không trợ giá. Dự kiến cuối năm 2016 và đến năm 2017 lần lượt sẽ có các tuyến buýt nhanh BRT có năng lực vận chuyển nhanh, khối lượng lớn kết nối Bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã.

Cùng đó, là tuyến đường sắt trên cao kết nối Bến xe Yên Nghĩa với Cát Linh. Các tuyến vận tải hành khách công cộng mới này có hành trình lưu thông qua nhiều khu tập trung dân cư và kết nối Bến xe Yên Nghĩa với trung tâm Thủ đô nên sẽ rất thuận tiện cho hành khách.

Tới đây, trung tâm sẽ sắp xếp và quy hoạch lại các khu chức năng của bến xe như: Ứng dụng đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin vào các hoạt động kiểm soát, quản lý xe ra - vào bến, lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát trên toàn bộ các khu vực trước, trong và sau bến để giám sát mọi hoạt động của xe và hành khách; Lắp đặt thêm hệ thống điều hòa thoáng mát trong khu vực nhà chờ của hành khách, nâng cao các dịch vụ để phục vụ hành khách. Thiết lập hệ thống đổi mới trong công tác bán vé, soát vé…

Cũng theo ông Long, hành trình, giá vé sẽ được thông tin trên bản tin điện tử và tại bộ phận bán vé để cung cấp cho hành khách nhanh nhất, chính xác nhất. Ngoài ra, trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho lực lượng cán bộ công nhân viên làm việc tại bến theo phương châm ứng xử “4 xin, 4 luôn” của ngành GTVT để thân thiện với hành khách hơn nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.