Trong quá trình phát triển của một đứa trẻ, sự chú ý là một yếu tố rất quan trọng. Sự chú ý giống như cánh cửa sổ để trẻ kết nối với thế giới bên ngoài. Chỉ khi cửa sổ mở ra, kiến thức mới đi vào não bộ, từ đó trẻ mới có thể phát triển kỹ năng ghi nhớ, quan sát, tưởng tượng, tư duy…
Làm thế nào để nuôi dưỡng sự chú ý của trẻ?
Nhiều bố mẹ cho rằng, chỉ nên rèn cho trẻ khả năng chú ý khi chúng vào tiểu học, hoặc ít nhất cho tới khi trẻ bắt đầu học thứ gì đó. Thế nhưng trên thực tế, sự chú ý của trẻ bắt đầu từ rất sớm.
Khi được 1 tuổi, trẻ bắt đầu hình thành sự chú ý của mình, đó là lúc chúng tỏ ra hứng thú với những gì mình thích.
Sau 3 tuổi, sự chú ý của trẻ đã phát triển vượt bậc, mỗi khi chơi trò gì đó yêu thích, trẻ sẽ say mê tập trung từ 6 – 9 phút. Sự chú ý của mỗi đứa trẻ ở độ tuổi này cũng khác nhau.
Vì thế, bố mẹ càng dành nhiều công sức nuôi dưỡng sự chú ý của con mình càng sớm, khả năng này sẽ phát triển tốt khi trẻ được 3 – 6 tuổi. Lúc này, trẻ có xu hướng chơi hoặc học rất tập trung, không dễ bị phân tâm.
Sau đây là những cách nuôi dưỡng sự chú ý của trẻ, bố mẹ có thể tham khảo:
1. Những thứ trẻ quan tâm
Thông thường, trẻ chỉ tập trung sự chú ý của mình vào những thứ chúng thấy thú vị. Vì thế, bố mẹ tìm kiếm những thứ trẻ hứng thú, cùng trẻ chơi đùa hoặc để trẻ tự chơi một mình.
Ví dụ, trẻ 1 tuổi thường quan tâm tới động vật, nhạc cụ, đồ chơi phát ra âm thanh, sách tranh nhiều màu sắc… Trẻ 3 tuổi có thể hứng thú với các hình khối xây dựng, các bài hát, vẽ tranh… Trẻ đi mẫu giáo thích chơi trò ghép hình, thú bông, các trò chơi với bạn bè, sách tranh kể chuyện…
Bố mẹ cần quan sát xem trẻ thích chơi gì để thường xuyên chơi đùa cùng. Đặc biệt, bố mẹ cần chú ý độ khó của những hoạt động này nên vừa phải, không vượt quá khả năng của trẻ.
Những trò chơi quá khó sẽ khiến trẻ nhanh chán, thậm chí sợ hãi. Điều này không chỉ làm giảm sự tập trung của trẻ trong các hoạt động đó mà còn có thể dẫn đến tâm lý tự ti.
2. Những thứ đòi hỏi trẻ cần thực hành
Cùng một độ tuổi nhưng những đứa trẻ được giáo dục theo phương pháp Montessori có khả năng tập trung khi làm việc. Điều này không thể tách rời phương pháp giáo dục tạo cơ hội cho trẻ thực hành nhiều.
Tại các trường mẫu giáo Montessori, ngay từ nhỏ trẻ cần được rèn luyện tính tự lập như biết cách tự chăm sóc bản thân (trẻ 2 tuổi biết tự đánh răng, rửa mặt, quét nhà, lau bàn ghế…).
Trẻ cũng cần học những kiến thức liên quan tới màu sắc, kích thước, làm toán, khám phá thế giới động vật… Rất nhiều kỹ năng trẻ cần trải nghiệm và học hỏi khi còn nhỏ, nó rất tốt cho việc trau dồi sự chú ý.
Vì thế, bố mẹ cần tạo ra nhiều cơ hội thực hành hơn cho con cái khi ở nhà bắt đầu từ những công việc nhà đơn giản.
3. Những thứ trẻ có thể nhìn thấy kết quả
Nhiều bố mẹ không nhận ra tầm quan trọng của kết quả đối với con cái. Việc trẻ có thể nhìn thấy kết quả hay không ảnh hưởng nhiều tới sự tập trung và khả năng hoàn thành việc của trẻ.
Ví dụ, nếu trẻ quét nhà không có mục đích, chúng sẽ không tập trung và thường chuyển sự chú ý sang những thứ khác chỉ sau vài phút.
Bố mẹ nên yêu cầu trẻ quét nhà, dồn rác vào khu vực quy định hoặc đưa ra thời gian cụ thể để trẻ ý thức được việc mình làm. Lúc này, trẻ sẽ rất có động lực và sẽ thực hiện điều này rất nghiêm túc.
Khi trẻ thấy được kết quả việc làm của mình, chúng sẽ cảm nhận được sự hoàn thành là gì. Điều này giúp chúng tập trung làm và kiên trì lâu hơn vào lần sau. Bố mẹ có thể giúp trẻ rèn luyện thông qua những điều như:
- Chơi trò xếp đồ vật vào hộp
- Lắp ghép các món đồ theo từng cặp đúng với quy tắc.
- Chơi trò ghép hình.
- Tô màu, vẽ đường thẳng.
- Chơi trò nghe, lặp lại.
- Trả lời câu hỏi.
4. Tập thể dục
Một số phụ huynh cảm thấy rằng, tập trung là phải thực hiện trong môi trường yên lặng tuyệt đối. Thế nhưng trên thực tế, việc vận động thường xuyên có thể cải thiện khả năng tập trung, trí nhớ, ý chí của một người.
Nếu một đứa trẻ được bố mẹ cho vận động thường xuyên với cường độ hợp lý, trí não của chúng hoạt động rất tốt, tư duy nhanh nhẹn, từ đó cải thiện được sự tập trung trong học tập hơn.
Tuỳ theo từng độ tuổi bố mẹ có thể cho con mình tập những môn thể thao phù hợp và nên duy trì tần suất 3 - 4 lần mỗi tuần. Việc tích cực tập thể thao không chỉ cải thiện khả năng tập trung và sự chú ý mà còn nâng cao sức khỏe cho trẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận