Quản lý

Quyết liệt kèm giải pháp phù hợp, bộ mặt vận tải Hòa Bình thay đổi từng ngày

18/11/2023, 06:30

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp ngành, lực lượng chức năng của tỉnh Hòa Bình trong năm 2023, lĩnh vực vận tải ở tỉnh này đã thay đổi rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Chấn chỉnh vận tải lòng hồ, diện mạo thay đổi

Chiều 14/11, PV có mặt tại khu vực bến đò khách du lịch ở xóm mới, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Dù là ngày đầu tuần nhưng tại đây vẫn có từng đoàn du khách tới đặt vé thuyền để tham quan du lịch.

Quyết liệt kèm giải pháp phù hợp, bộ mặt vận tải Hòa Bình thay đổi từng ngày - Ảnh 1.

Các tàu khách vùng lòng hồ Hòa Bình hoạt động quy củ và an toàn hơn sau khi cơ quan chức năng siết chặt quản lý.

Trên con đường bê tông dẫn xuống bờ hồ có rất nhiều tàu đang nằm bờ. Còn phía trong 2 cầu cảng, thỉnh thoảng có vài tàu xuất và cập bến.

Ông Nguyễn Thế Anh - Phụ trách Cảng vụ đường thủy nội địa Hòa Bình cho biết: "Hiện chỉ có những tàu đã đăng ký đăng kiểm, đủ điều kiện hoạt động mới được cấp lệnh xuất bến. Những tàu khác đều phải nằm bờ.

Hàng ngày ngoài lực lượng cảng vụ túc trực ở bến, còn có công an xã, cảnh sát giao thông thủy, thanh tra đường thủy thường xuyên có mặt theo dõi giám sát hoạt động ở khu vực".

Một lãnh đạo công an xã Thung Nai xác nhận và cho biết: "Từ khi đoàn liên ngành bàn giao, công an xã đã cắt cử lực lượng luân phiên kiểm tra ở 2 bến. Vừa làm nhiệm vụ giám sát hoạt động tại bến, không cho tàu không đủ điều kiện rời bến, vừa đảm bảo an ninh trật tự khu vực. Đến nay, người dân chấp hành tương đối tốt.

Quyết liệt kèm giải pháp phù hợp, bộ mặt vận tải Hòa Bình thay đổi từng ngày - Ảnh 2.

Người dân đã dần quen với việc chấp hành các quy định của pháp luật. Nhiều chủ tàu đã đưa phương tiện đi nâng đà, cải tạo nhằm đảm bảo tiêu chuẩn đăng ký đăng kiểm.

Dù không phải lần đầu tiên lên Thung Nai vãn cảnh và lễ đền bà Chúa Thác Bờ, nhưng khi thấy lực lượng chức năng làm nghiêm hơn, chị Đỗ Thị Quyên (du khách đến từ Hà Nội) bày tỏ sự hài lòng: "Đi trên những chuyến tàu an toàn, có lực lượng chức năng kiểm soát, có áo phao, ai mà không thích cơ chứ!".

Anh N.T.A, một chủ tàu ở vùng lòng hồ cho biết: "Ban đầu khi lực lượng chức năng thắt chặt kiểm soát, cấm tàu chưa đăng kiểm rời bến người dân cũng có ý kiến này, ý kiến kia. Tuy nhiên, hiện nay đa phần mọi người đã hiểu và chấp hành.

Có nhà bán thanh lý tàu cũ, mua tàu mới để chở khách. Cũng có nhà đưa tàu đi nâng đà, cải tạo để được kiểm định. Chúng tôi mong rằng nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ để người dân cải tạo, đăng kiểm tàu đảm bảo đúng quy định".

Nói không với vận tải khách, hàng hóa không an toàn

Trên lĩnh vực đường bộ, những ngày này, lực lượng tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình vẫn thường xuyên túc trực, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Việc kiểm soát được tập trung vào các tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT, đặc biệt là các tuyến đường đèo dốc, quanh co nguy hiểm, trơn trượt, tầm nhìn hạn chế.

Bên cạnh đó là khu vực các điểm trung chuyển hay các tuyến đường khu vực kho cảng, bến bãi, khu công nghiệp, các tuyến quốc lộ trọng điểm.

Quyết liệt kèm giải pháp phù hợp, bộ mặt vận tải Hòa Bình thay đổi từng ngày - Ảnh 3.

Lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát trên QL6 vào ban đêm.

Trung tá Phạm Mạnh Hà, Trạm trưởng Trạm CSGT Tân Lạc cho biết: "Sau các đợt cao điểm theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT, lãnh đạo Công an tỉnh Hoà Bình, anh em vẫn tiến hành chia ca tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến liên tục 24/24h hàng ngày. 

Công tác kiểm tra, xử lý không tách riêng mà kết hợp cùng lúc nhiều chuyên đề với nhau, căn cứ theo thời gian và điều kiện thời tiết. 

Ví dụ như ban ngày anh em làm chuyên đề tốc độ, kết hợp kiểm tra nồng độ cồn, ma túy. Ban đêm thì anh em cũng kết hợp kiểm tra tải trọng, điều kiện an toàn phương tiện, số lượng hành khách... 

Đối với những ngày mưa hoặc sương mù thì tổ chức tuần lưu tuyên truyền nhắc nhở lái xe chú ý an toàn khi đi qua đường đèo dốc".

Cũng theo trung tá Hà, lực lượng CSGT Hòa Bình làm việc với tinh thần kiên quyết, xử lý nghiêm đối với các xe kinh doanh vận tải không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, lăng mạ, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Với vi phạm nồng độ cồn, xử lý "không có vùng cấm" đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an và công an tỉnh…

Theo Ban ATGT tỉnh Hòa Bình, các sở ngành, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tăng cường đôn đốc nhắc nhở, chấn chỉnh các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về vận tải khách. 

Trong dịp Tết Âm lịch và mùa Lễ hội Xuân, các dịp nghỉ lễ từ đầu năm 2023 không có tình trạng hành khách bị lỡ tàu, xe do thiếu phương tiện vận chuyển và không có tình trạng chèn ép, tăng giá cước xe. 

Thông qua thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện, lực lượng chức năng đã xử lý thu hồi 89 phù hiệu phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ; 950 phương tiện vận tải không thực hiện việc truyền dữ liệu theo quy định; 700 phương tiện xe tải thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh vi phạm thời gian lái xe; đình chỉ khai thác đối với 10 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh do không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày.

Các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra các điều kiện của phương tiện đảm bảo an toàn giao thông vận tải đường thủy nội địa phục vụ hoạt động vận tải khách trong mùa Lễ hội Xuân năm 2023. Công bố công khai danh sách các phương tiện thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động tại các bến để khuyến cáo và nhắc nhở người dân không lựa chọn sử dụng các phương tiện này. 

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho một phần lãi suất tiền vay bằng nguồn ngân sách cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và các hộ cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy và vận tải đường thủy trên khu vực lòng hồ Hòa Bình.

Tính đến hết tháng 9/2023, vận tải đường bộ đã vận chuyển gần 5 triệu hàng hóa; luân chuyển hàng hóa là 137 triệu tấn-km; vận chuyển hơn 8,2 triệu lượt hành khách; luân chuyển hành khách là gần 54 triệu người-km.

Sản lượng vận tải đường thủy nội địa đạt 834.630 tấn hàng hoá; luân chuyển hàng hóa là 17 triệu tấn-km; vận chuyển hơn 400 nghìn lượt hành khách; luân chuyển hành khách là hơn 5 triệu người-km.

Theo thống kê của tỉnh Hòa Bình, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang có 185 tuyến vận tải khách liên tỉnh, 6 tuyến xe buýt với 232 phương tiện hoạt động; có 13 doanh nghiệp vận tải khách bằng xe taxi (503 phương tiện), 466 xe hợp đồng. Ngoài ra, có 142 doanh nghiệp và hàng trăm cá thể tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa với 1.325 phương tiện hoạt động.

Trên đường thủy, toàn tỉnh hiện có 1.296 phương tiện thủy nội địa. Trong đó có 260 tàu khách nhưng chỉ có 109 phương tiện đủ điều kiện hoạt động (18 tàu đăng ký mới vào năm 2023). Hiện vẫn còn 169 tàu thuyền vùng lòng hồ bị buộc dừng hoạt động vì chưa đăng ký, đăng kiểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.