Quản lý

Vì sao cát đã được cấp, cao tốc trục ngang ở miền Tây vẫn gặp khó khi thi công?

08/11/2023, 13:37

Ngành chức năng liên tục gỡ khó để đưa cát về công trường, nhưng dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang vẫn gặp khó trong quá trình thi công.

Vẫn đang ngóng cát về công trường

Được biết, dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang trong năm 2023 cần 1,7 triệu m3.

Để đáp ứng đủ số lượng, mỗi ngày, công trường cần 470.000 m3 cát, nhưng hiện tại, các nhà thầu chỉ cung cấp được một nửa so với nhu cầu.

Thiếu cát, công trình thi công gặp khó dẫn đến tiến độ bị chậm hơn so với kế hoạch đã được đề ra.

Vì sao cát đã được cấp nhưng cao tốc trục ngang vẫn gặp khó khi thi công? - Ảnh 1.

Đường công vụ gói thầu số 42 trải vải địa sẵn chờ cát và đường ống bơm cát sau bốn tháng lắp nhưng không có cát bơm nên thu lại.

Tại gói thầu số 42 thuộc thành phố Châu Đốc (An Giang) - điểm đầu dự án, PV Báo Giao thông ghi nhận công trình vẫn đang trong tình trạng "xôi đỗ".

Lý giải về điều này, ông Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (nhà thầu thi công gói thầu số 42) cho biết, nhu cầu cát cho năm 2023 hơn 741.000 m3, năm 2024 hơn 2 triệu m3, năm 2025 hơn 232.000 m3.

Như vậy, mỗi ngày, đơn vị cần 10.000 m3 cát để thi công, nhưng trên thực tế, nhà thầu cung cấp cát chỉ cấp khoảng 1.500 m3 cát/ngày. Cát về quá ít, không đáp ứng nhu cầu thi công, thậm chí công trường đã lắp 8 đường ống bơm cát nhưng cứ mãi chờ cát.

"Không được cấp đủ cát nên tuyến chính đã đào bóc hữu cơ xong bây giờ cỏ mọc lại. Trong khi đó, đường công vụ trải vải địa sẵn chờ cát và đường ống bơm cát sau bốn tháng lắp nhưng không có cát bơm nên đã thu lại", ông Đại nói.

Vì sao cát đã được cấp nhưng cao tốc trục ngang vẫn gặp khó khi thi công? - Ảnh 2.

Để đảm bảo tiến độ thi công, nhà thầu đã chuyển sang thi công cầu trong thời gian chờ cát về công trường.

Trong khi đó, tại gói thầu số 43 do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành đảm nhận đã chuyển sang thi công cầu nhằm bù tiến độ thực hiện theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Chỉ huy trưởng công trình gói thầu số 43, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành (nhà thầu thi công) cho biết, gói thầu có tổng chiều dài là 14km, trong đó có 8 cây cầu.

"Hiện tại trên công trường có gần 200 công nhân, kỹ sư và 50 máy móc, thiết bị được công ty huy động thi công cầu. Nhà thầu cũng đang cố gắng thực hiện nhằm đảm bảo theo tiến độ đề ra", anh Tuấn cho biết thêm.

Cát vẫn chưa đủ cho dự án

Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, chủ đầu tư dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho biết, nhu cầu tổng khối lượng cát cho toàn dự án khoảng 9,3 triệu m3. Từ nay đến hết năm 2023, dự án cần 1,7 triệu m3, năm 2024 dự án cần 6 triệu m3 cát và số lượng còn lại sẽ được cấp vào năm 2025.

Vì sao cát đã được cấp nhưng cao tốc trục ngang vẫn gặp khó khi thi công? - Ảnh 3.

Nhiều máy móc, thiết bị vẫn đang chờ cát về công trường để thi công.

Lý giải về việc cần cát đắp nền cho dự án được rải đều ra các năm, ông Du cho biết thêm, dự án được khởi công tháng 6/2023 thì phải cơ bản hoàn thành các đoạn tuyến vào năm 2025, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026, bàn giao và đưa vào sử dụng vào năm 2027.

Do dự án đi qua vùng đất yếu nên cần thời gian gia tải từ 12 - 15 tháng, đây là công đoạn quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Và trong thời gian gia tải, nhà thầu phải tạm ngưng tất cả các hạng mục còn lại.

"Tính đến đầu tháng 11/2023, các đơn vị cung cấp cát đã cấp cho dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được 83.906 m3 trên tổng khối lượng 9.321.000 m3 cát cần cho dự án. Như vậy, với thực trạng cát được cấp đang bị thiếu như hiện nay thì nguy cơ dự án sẽ bị chậm tiến độ đề ra", ông Du nói.

Cũng theo ông Du, hiện nay, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Thủ Tuyền, Liên danh Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ DNU và Công ty TNHH MTV Môi trường Vạn Hưng Tùng, Công ty TNHH TM Tân Hồng (các đơn vị cung cấp cát - PV) thì tổng khối lượng cung cấp hàng ngày cho dự án cao tốc thành phần 1 chỉ đạt từ 4.400 m3 đến 4.700 m3 cát/ngày, không đáp ứng nhu cầu phục vụ cho dự án cao tốc thành phần 1 đến cuối năm 2023.

Đồng thời, theo văn bản số 3696/STNMT-KSN&BĐKH ngày 27/10/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc nguồn cát phục vụ dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang, nhà thầu thi công đã tổ chức khảo sát sơ bộ các vị trí dự kiến giao mỏ cho nhà thầu thi công khai thác. Kết quả khảo sát trữ lượng còn lại hiện nay và trữ lượng các mỏ đang cung cấp cho dự án thành phần 1 là 7,976 triệu m3 chưa đảm bảo nhu cầu khối lượng là 9,3 triệu m3 cho toàn dự án.

"Trước mắt để đảm bảo đủ lượng cát cho năm 2023, ban quản lý đã đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các đơn vị được giao cung cấp cát cho dự án tăng công suất khai thác để cung cấp cho công trình.

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT tổ chức khảo sát lại các vị trí mỏ cát, giao cho nhà thầu thi công khai thác, và bổ sung mỏ cát mới để đủ lượng cát cho toàn dự án", ông Du thông tin.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng), với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.
Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại thành phố Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.