Sáng 15/7, tại TP.HCM, Ban chỉ đạo Quốc gia đã tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai năm 2022. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá công tác về phòng chống thiên tai năm 2021, phân tích dự báo và diễn biến tình hình thiên tai 6 tháng đầu năm 2022, chuẩn bị phương án ứng phó cho mùa thiên tai trọng điểm 2022 tại khu vực Nam Bộ.
Quang cảnh Hội nghị phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Tiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết, theo số liệu thống kê trong 30 năm gần đây, tình hình thiên tai vùng Nam Bộ diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và mức độ nguy hiểm, trong đó điển hình là bão số 5 (Linda) năm 1997, bão số 9 (Durial) năm 2006 đổ bộ vào khu vực Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu.
Từ đầu năm 2022 đến nay, đã xảy ra 1 trận bão, 105 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 123 trận dông lốc, 61 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất, 12 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại.
Thiên tai từ đầu năm 2022 đã làm 85 người chết, mất tích, 48 người bị thương, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.044 tỷ đồng.
Gần đây nhất, cách đây 4 ngày (11/7), do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam gây sóng lớn đã làm sạt 3 đoạn đê biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời ảnh hưởng tuyến đê biển Tây thuộc huyện U Minh, với tổng chiều dài 75m.
Thi công công trình chống ngập trên đường Hồ Chí Minh qua Cà Mau.
Ngoài ra, việc xả lũ hồ chứa ở thượng nguồn đã làm mực nước sông Cửu Long cuối tháng 4 lên cao hơn trung bình từ 30 - 40% và ở mức cao nhất cùng kỳ trong vòng gần 100 năm qua. Đây cũng là những tiềm ẩn cần được quan tâm theo dõi, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều trạng thái triều cường phức tạp. Cụ thể, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 10, nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp, ven sông hạ nguồn sông Cửu Long, TP Cần Thơ, Vĩnh Long.
Về triều cường và nước biển dâng từ nay đến cuối năm 2022, tại các tỉnh ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường cao, với độ cao tại Vũng Tàu đều ở mức trên 4m. Cần lưu ý đề phòng sóng lớn, kết hợp triều cường gây sạt lở bờ sông, bờ biển.
Đáng chú ý, trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4 - 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Do vậy từ đây đến cuối năm các tỉnh cần đề phòng ứng phó khi xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, bão mạnh, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phát biểu tại Hội nghị.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ năm 2021 đến nay, hệ thống thủy điện trên dòng sông Mê Kông cơ bản hoàn thiện nhưng gây tác động lớn đến dòng chảy.
"Hệ thống này đã gây tác động rất lớn cả về tích cực và tiêu cực tới khu vực hạ lưu, phần nào làm thay đổi quy luật khí hậu khu vực ĐBSCL. Tổng lượng dòng chảy trên sông Mê Kông cao thứ hai kể từ năm 1910", ông Hoài thông tin.
Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã trình bày ý kiến, tập trung tìm ra các giải pháp thiết thực, nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước phát triển bền vững.
Cũng tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức lễ ra mắt "Câu lạc bộ Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khu vực ĐBSCL".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận