Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến nay, có 81/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, với tổng công suất hơn 4.500 MW đã gửi hồ sơ để đàm phán giá điện.
Trong đó, có 72 dự án, với tổng công suất hơn 4.128 MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 của Bộ Công thương. Trong số này, Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 63 dự án, tổng công suất với tổng công suất 3.429,41 MW.
Hiện có 29/63 nhà máy/phần nhà máy NLTT chuyển tiếp, với tổng công suất 1.577,65 MW đã phát điện thương mại lên lưới.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án NLTT chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 23/5 đạt hơn 2.597 tỷ kWh.
Việc huy động thêm các nguồn điện NLTT góp phần đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô năm nay.
Theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), tính từ đầu năm đến nay, phụ tải điện quốc gia tăng trưởng khoảng 11, 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, miền Bắc tăng 11,5%, miền Trung 9,6%, miền Nam 11,7%.
Mặc dù vẫn duy trì ở mức cao, song với việc quản lý điều hành linh hoạt hệ thống điện, tình hình cung cấp điện trong tuần qua vẫn tiếp tục được đảm bảo tốt.
EVN cho biết, trong tháng 6 và các tháng tiếp theo của năm 2024, Tập đoàn này cũng đã cập nhật tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện và đã xây dựng các phương án, kịch bản điều hành hệ thống điện để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân trong mọi tình huống.
Theo Quyết định 21, giá trần của điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng/kWh, điện gió 1.587-1.816 đồng/kWh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận