Xã hội

"Con làm quan phải kê khai, bố di chúc 500 cây vàng ảo"

13/06/2018, 19:17

Đó là tình huống giả định được ĐBQH đặt ra để nhấn mạnh cần thiết cần bổ sung đối tượng kê khai tài sản.

Tạ Văn Hạ - Bạc Liêu

ĐB Tạ Văn Hạ - Bạc Liêu

Ngày 13/6, Quốc hội dành trọn 1 ngày để thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đánh giá sau hơn 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, hiệu quả phòng chống tham nhũng có nhiều hạn chế. Thực tế xử lý các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế lớn đã chứng minh điều này. Nguyên nhân có nhiều, song theo ĐB Hạ, trong đó có nhiều kẽ hở của luật.

Về công khai, minh bạch bản kê khai tài sản thu nhập của đối tượng phải kê khai, theo ông Hạ, trong thực tế, việc kiểm soát bản kê khai tài sản và thu nhập của đối tượng này thì các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát có thể không có đủ người, không đủ chuyên môn và khả năng để theo dõi và xác minh được hết tất cả. Trong khi đó, dựa vào tính tự giác của đối tượng kê khai thì điều này cũng rất khó. Vì thế, ông đề nghị công khai minh bạch tài sản để dân giám sát phát hiện là hiệu quả nhất.

Trở lại vấn đề đối tượng kê khai tài sản và bị kiểm soát tài sản thu nhập, ĐB tỉnh Bạc Liêu đề nghị xem xét các đối tượng đã từng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, thậm chí kể cả khi đã nghỉ hưu.

“Thực tế, hiện nay, hầu hết các tài sản tham nhũng được cất giấu, gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố, mẹ, anh, chị, em, con, cháu ruột thịt đứng tên, đến khi về hưu được gom lại và hợp thức hóa”, ông Hạ nêu thực tế.

Đặc biệt, theo ông, khi xem xét các vụ tham nhũng cần bổ sung những người ruột thịt của công chức là những đối tượng phải chứng minh nguồn gốc tài sản.

Để chứng minh cho quan điểm của mình, ông Hạ đặt ra tình huống: "Có một ông bố nghèo ở quê nhưng có 2 con làm quan lớn, trước khi từ trần, ông có mời luật sư và 2 con đến dặn rằng bố để cho mỗi con 500 cây vàng. Các con rất ngạc nhiên hỏi tại sao bố nghèo mà lại có khoản tiền đó. Ông nói làm gì có cây nào, chỉ đề phòng khi các con phát sinh tài sản khi kê khai nó có nguồn gốc rõ ràng!".

Tuy nhiên, về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc thừa kế cũng như việc tặng cho đã được pháp luật dân sự, pháp luật về thừa kế quy định rất chặt chẽ, có trình tự, thủ tục, có cơ quan chứng thực chứng nhận việc này. “Không phải bằng một tờ giấy viết tay như vậy mà sau này cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập coi đó là tài sản hợp pháp”, ông Lưu nhấn mạnh.

Một người bị kê biên, cả họ nhận tài sản

ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) thì cho rằng, liên quan đến xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, đại biểu Nguyễn Hồng Vân cho rằng hợp lý hay không là phụ thuộc vào cơ quan chức năng đánh giá, thực tế các chế tài, quy định cụ thể để xác định tính hợp lý của nó thì chưa rõ.

Muốn kê biên tài sản để đối chiếu với bản kê khai thì phải có quyết định của một cơ quan chức năng, lúc đó mới biết tài sản nào thừa, tài sản nào không. Nhưng do giao dịch chưa quy định tài sản phải chính chủ, dẫn đến việc khi một người bị kê biên tài sản thì họ vẫn có thể nhờ dòng họ, gia đình cho mượn...

“Trước đây có tình trạng một người làm quan cả họ được nhờ, bây giờ một người bị kê biên thì cả họ nhận tài sản” – ông Vân nói và cho rằng đây là vấn đề khó, phức tạp nên cần cân nhắc thận trọng và có bước đi phù hợp để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.