Làm báo cùng Giao thông

"Loạn" họp và báo cáo

15/09/2017, 08:22

Lý do phải họp, phải nói rất thiên hình vạn trạng. Còn 2 triệu báo cáo trong năm nặng về sao chép, hình thức...

9

Loạn họp và báo cáo - Ảnh minh họa

Vừa qua, trong một hội nghị tập huấn nghiệp vụ và xây dựng phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo của Văn phòng Chính phủ (VPCP), một thống kê chính thức được công bố khiến nhiều người bất ngờ.

Theo người đứng đầu VPCP, cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính Nhà nước (CQHCNN) dành thời gian làm báo cáo rất lớn. Cụ thể, ở cấp Bộ là 25,4% thời gian, còn ở địa phương là 26,12%. Theo khảo sát, mỗi năm, các CQHCNN trên toàn quốc phải thực hiện… 2 triệu báo cáo.

Tiêu tốn thời gian như vậy cũng không phải là vấn đề nếu báo cáo có chất lượng, đề xuất được các giải pháp hiệu quả. Nhưng chính cơ quan Nhà nước phải thừa nhận chất lượng báo cáo nặng về sao chép, thiếu những nhận xét, phân tích, đánh giá cần thiết. Việc đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục tồn tại, nhận định triển vọng, đề xuất kiến nghị trong các báo cáo còn khá nghèo nàn. Thời đại công nghệ số nhưng đa số các bộ, ngành, địa phương vẫn sử dụng hình thức nhận - gửi báo cáo giấy. Vài bộ, ngành, địa phương đi đầu ứng dụng nhận - gửi báo cáo điện tử song chưa triệt để. Rất mừng là Chính phủ đã nhận thấy bất cập này và tháng 4 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành văn bản yêu cầu thực hiện việc đơn giản hóa các chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Cũng liên quan tới tổ chức và hiệu quả làm việc của các cơ quan Nhà nước, một “vấn nạn” khác cũng được lãnh đạo cấp cao chỉ ra. Trong một cuộc họp gần đây, Chủ tịch một thành phố lớn đã thốt lên “Họp ít thôi” dành nhiều thời gian để đi thực tế. Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư của thành phố này báo cáo, trong 7 tháng đầu năm, lãnh đạo Sở phải dự hơn 2.000 cuộc họp. Bình quân mỗi người họp 3-4 cuộc một ngày, chưa kể họp đột xuất, phát sinh.

Gần cả cuộc đời làm việc ở số cơ quan Nhà nước khác nhau, người viết bài này tham dự không biết bao nhiêu cuộc họp, hội nghị. Thường ở các cuộc họp, khai mạc thì đông đủ, giải lao vơi dần. Không thể quy kết tất cả các cuộc họp đều vô bổ, tuy nhiên, hiệu quả thấp.

Đầu thế kỷ 20, nhà thơ cộng sản Xô viết, Vladimir Vladimirovich Mayakovsky có bài thơ “Những người loạn họp” nổi tiếng. “Mới tờ mờ sáng/Ngày nào tôi cũng thấy/ Bọn họ kéo nhau đến bàn giấy cơ quan/ Người đi Tổng/ Người đến Ban/ Người sang Tuyên/ Người đến Giáo/ Họ vừa đến là trận mưa thông cáo...”. Hình như những câu thơ ông viết, phản ánh thực tế cho đến bây giờ.

Lý do phải họp, phải nói rất thiên hình vạn trạng. Đầu tiên phải kể đến là do cách tổ chức công việc kém của người đứng đầu và năng lực thực thi công vụ của cấp dưới. Họp nhiều cũng bởi chiến lược, quy hoạch, chính sách, chủ trương, luật lệ... không rõ ràng, minh bạch, bất cập, đá nhau nên để tránh tình trạng mỗi người hiểu một kiểu, buộc phải họp để làm rõ, thống nhất và triển khai.

Họp nhiều đôi khi còn là hậu quả của việc muốn mượn danh hay huy động sức mạnh tập thể để phục vụ một mục đích nào đó mà ít (nhóm) cá nhân nào muốn và đủ sức tiến hành một mình, dù có quyền đi chăng nữa. Nếu số vụ việc nhiều, cần nhiều quyết định tập thể thì số cuộc họp cứ thế mà tăng lên cho tương xứng. Vân vân và vân vân.

Làm sao để “hạn chế họp” và khắc phục “vấn nạn” báo cáo? Theo người đứng đầu VPCP, Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng hệ thống báo cáo quốc gia đồng bộ, thống nhất, bảo đảm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của CQHCNN.

Điều này sẽ giúp các cơ quan, đơn vị giảm gánh nặng hành chính trong tuân thủ chế độ báo cáo, loại bỏ các báo cáo, nội dung báo cáo không cần thiết, cắt giảm số lượng báo cáo và giảm tối đa về tần suất báo cáo. Đối với “loạn họp”, muốn “dẹp” chắc chắn phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu và tất nhiên thắt chặt chi tiêu ngân sách, khoán chi phí, phân loại và thực hiện nghiêm tiêu chuẩn giải ngân, chi tiêu cho các cuộc họp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.