Ký ức về người nghệ sĩ tài đức
Theo thông tin từ nhạc sĩ Hồng Sơn, nghệ sĩ Tòng Sơn đã qua đời vào lúc 14g50 ngày 12/6 tại nhà riêng, hưởng thọ 94 tuổi.
Nghệ sĩ Tòng Sơn
Được biết, trước đó vài ngày, nghệ sĩ Tòng Sơn được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Dù được các y bác sĩ BV Trưng Vương tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao, sức yếu và mắc nhiều chứng bệnh cùng lúc như loét, xuất huyết bao tử, viêm phổi và suy thận...
Lễ tang nghệ sĩ gạo cội được tổ chức tại nhà thờ Tân Hòa (525/92 Huỳnh Văn Bánh, P.13, Q.Phú Nhuận). Lễ an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương vào sáng 14/6.
Hay tin "quái kiệt" thổi kèn Harmonica qua đời, nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự thương tiếc. Biên kịch Thanh Hiệp nghẹn ngào gọi nghệ sĩ Tòng Sơn là bố cho biết, ông có quá nhiều kỷ niệm với nghệ sĩ gạo cội.
"Những chuyến đi diễn ở các trung tâm cai nghiện, các trại trẻ mồ côi, các mái ấm tình thương… bố đều nhiệt tình tham gia. Có lần nửa khuya bố gọi và hỏi ngày mai diễn ở trung tâm dạy nghề trẻ khuyết tật bố sẽ thổi kèn bài “Làng tôi”, tôi bảo nếu không kịp thì bố thổi bài nào vui là được rồi.
Nhưng ngày hôm sau đã nghe giai điệu bài hát đó vang lên từ chiếc kèn huyền thoại của bố. Bố luôn cập nhập ca khúc đúng chủ đề, dù chỉ là một show từ thiện, bố vẫn nồng nhiệt tìm kiếm và tập gấp rút để biểu diễn.
“Chứ diễn cho các em cháu xem mà mình thổi bài tình yêu không hợp. Dù sao thì ai trong chúng ta cũng có một làng quê mà! Nên bố tập liền để chơi. Cứ có show thì con cứ ớ bố, đừng ngại, bố sẽ đến với tụi nhỏ” - trong tôi vẫn còn nhớ những lời bố nói". Vĩnh biệt bố Tòng Sơn. Mãi nhớ đến bố!", biên kịch Thanh Hiệp nhớ lại.
Cuộc đời lận đận
Nghệ sĩ Tòng Sơn tên thật là Dương Ngô Tòng, sinh năm 1931 tại Vĩnh Long. Ông gắn bó với cây kèn Harmonica một cách rất tình cờ.
Nghệ sĩ Tòng Sơn thời trẻ
Hồi nhỏ ở quê nhà Vĩnh Long, ông vô tình nhặt được "thỏi sắt" rất kỳ lạ, sau này ông mới biết đó là kèn Harmonica. Nhặt được chiếc kèn Harmonica, nghệ sĩ Tòng Sơn như đã “lượm” được chính cuộc đời mình. Cuộc đời ông gắn với chiếc kèn như một định mệnh như thế.
Bị tò mò, thu hút bởi những âm thanh đặc biệt, cứ rảnh rỗi ông lại lôi kèn ra thổi, từ những âm ngắt quãng, hụt hơi cho đến những đoạn ngân dài hơn…
Ông phát hiện ra mình có sự nhạy cảm với âm thanh và hợp với loại kèn này, từ đó trở đi đã trở thành vật bất ly thân của mình.
Trong những năm 1940, hầu như không có người dạy thổi harmonica nên ông chủ yếu tự mày mò sau khi học vỡ lòng với ông cậu biết sơ sơ về kèn.
Đến những năm 1950, ông tham gia vài cuộc thi và được mời thổi kèn ở quán bar, phòng trà, đại nhạc hội… Lúc này ông lấy nghệ danh Tòng Sơn, là ghép tên của ông và cha ruột mình.
Một thời, khán giả phải "đứng ngồi không yên" mỗi khi nhắc đến bộ ba saxophone Huỳnh Hoa, trống Huỳnh Hiệp, kèn harmonica Tòng Sơn đình đám.
Sau này ông có những cách biểu diễn rất ngộ nghĩnh khi thổi kèn bằng mũi, vừa thổi kèn vừa uống bia, ăn chuối…
Nhớ đến Tòng Sơn, khán giả luôn nhớ đến một người thổi kèn vui vẻ, hài hước, luôn tạo tiếng cười cho khán giả trong mỗi tiết mục của mình.
Chẳng vậy, mà khi những quái kiệt cùng thời với ông như Trần Văn Trạch, Thanh Long … chỉ còn trong dĩ vãng thì riêng ông vẫn đi diễn, vẫn đem lại tiếng cười cho mọi người.
Năm 2012, trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao cho ông kỷ lục: "Nghệ sĩ Tòng Sơn - Người có phong cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất Việt Nam".
Đào hoa nhưng cô đơn đến cuối đời
Nghệ sĩ Tòng Sơn đào hoa nên có đến 8 đời vợ. Nhưng những năm cuối đời, ông không ở với vợ, con, sống cuộc sống vất vả.
Năm 2016, ông bị bệnh nặng, phải làm đơn xin được vào ở những năm cuối đời tại khu Dưỡng lão nghệ sỹ TP. Hồ Chí Minh nhưng bị từ chối bởi ông không phải là hội viên Hội nghệ sĩ. Sau này, ông phải ở nhờ nhà người em gái đã hơn 70 tuổi.
Nghệ sĩ Tòng Sơn khi về già
Năm 2018, ông từng phải nhập viện vì nhiều bệnh tuổi già: huyết áp, suy nhược cơ, tim mạch… và phải nhờ tới sự giúp đỡ của các bạn bè đồng nghiệp và người hâm mộ.
Trong chương trình "Thương đời gạo chợ nước sông" của nhóm Ngũ Long Du Ký (Phi Phụng, hoa hậu Diễm Hương, Phương Dung, Thụy Mười, Năm Chà), nghệ sĩ Tòng Sơn nói rằng, hồi 75 tuổi ông vẫn một mình chạy xe máy đi diễn, không cần ai chở.
Đến khi chân yếu, không đi nổi nữa, mấy cái kèn đạo cụ gắn với ông cả gần một đời cũng cho đi hết. Kể cả những tờ báo viết về mình, ông cũng cho hết, không giữ lại cái gì cả.
"Trước đây tôi đi diễn cũng có tiền nhưng không để dành vì nghĩ mình không sống được lâu, sẽ chết sớm. Đợt đó tôi bệnh nặng, từ bệnh viện ra cầm kèn thổi không còn chút hơi nào. Tôi nằm bệnh viện suốt hai tháng trời, về nhà một cái là cho hết đồ diễn vì nghĩ không còn sức để đi diễn nữa. Tôi cho hết các loại kèn, quần áo…", cố nghệ sĩ bộc bạch.
"Quái kiệt" Tòng Sơn đã phiêu theo tiếng kèn Harmonica về trời. Cả một cuộc đời say mê với nghệ thuật của nam nghệ sĩ lừng danh một thời đã đi về với "Xóm đêm".
Nhưng, những bản độc tấu: "Vì đó là em", "Dừng bước giang hồ", "Những tình khúc khó quên", "Xóm đêm"... của ông vẫn còn vang vọng. Và có một điều không thể phủ nhận, cho đến nay, chưa có ai vượt qua tiếng kèn Harmonica của "quái kiệt" Tòng Sơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận