Tiếp viên Nguyễn Hữu Trung sinh năm 1988, đã có 10 năm gắn bó với Vietnam Airlines.
Anh đã từng tham gia chuyến bay đầu tiên "giải cứu" công dân Việt Nam tại Mĩ. Kế đó là các chuyến bay đi Nhật, Hàn.
"Sau hành trình bay dài từ Guinea Xích Đạo về Việt Nam, lúc này tôi và tổ tiếp viên đều cảm thấy rất tự hào. Trước chuyến bay điều mà chúng tôi lo lắng nhất là sức khoẻ của những hành khách dương tính với covid-19 sẽ bị ảnh hưởng bởi thời gian bay khá dài. Tuy nhiên, thật may mắn là không có vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Và chuyến bay đã hạ cánh an toàn" - tiếp viên hàng không Nguyễn Hữu Trung chia sẻ.
Nam tiếp viên kể lại: Hành khách đầu tiên bước chân lên máy bay thuộc khu vực khách âm tính cầm theo ảnh Bác Hồ và cờ tổ quốc. Sự phấn khởi khi được bước chân lên chuyến bay của họ khiến tôi vô cùng cảm động. Sau đó là tới khu vực hành khách dương tính. Các anh trầm ngâm hơn, có vẻ mệt hơn do trời cũng mưa khá to nữa. Lúc đó tôi chỉ biết động viên các anh là sắp được về nhà rồi, cố gắng một chút nữa thôi. Nụ cười của hành khách, cái cúi đầu cảm ơn của họ làm tôi thấy không còn mệt nữa.
Chia sẻ về điều mà mình và các anh em trong phi hành đoàn quan tâm nhất trong suốt hành trình từ sân bay Bata (Guinea Xích đạo) trở về, anh Trung khẳng định "là sức khoẻ của hành khách và phi hành đoàn"
"Các biện pháp chống lây nhiễm virus được đặt lên hàng đầu. Trước khi bay, các lãnh đạo của Đoàn tiếp viên đã động viên và trang bị cho chúng tôi kiến thức phòng bệnh khá đầy đủ. Các y bác sĩ có mặt trên chuyến bay cũng hướng dẫn chi tiết cách mặc đồ bảo hộ và tiếp xúc với hành khách nên chúng tôi có thể yên tâm phần nào", nam tiếp viên cho hay.
Nói về nguyên nhân khiến mình xung phong phục vụ tại khoang có các bệnh nhân dương tính, tiếp viên trẻ của Vietnam Airlines cho hay: Lí do cho sự quyết định này chỉ có một thôi, đó không phải là sự liều lĩnh, mà tôi chỉ muốn thay mặt cho hàng nghìn tiếp viên của Đoàn tiếp viên được chăm sóc những hành khách đặc biệt. Chuẩn bị tâm lý cho những hành khách này là rất quan trọng. Chỉ cần một cái vẫy tay chào, chỉ cần một lời động viên, chỉ cần nhìn thấy bóng dáng của tiếp viên xuất hiện sẽ khiến họ thấy yên tâm hơn rất nhiều. Đó chính là lí do tôi muốn được có mặt tại khoang khách đặc biệt này.
Anh Trung cho hay, để phòng dịch, anh được trang bị đồ bảo hộ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, thêm vào đó là máy trợ thở mà các bác sĩ mang theo có thể hạn chế tối đa việc lây nhiễm virus.
Qui trình phục vụ của chuyến bay cũng được thay đổi phù hợp. Hai bữa ăn được đặt sẵn trên ghế, mỗi khoang khách đều được ngăn cách bởi tấm rèm nhựa và có phòng áp lực dương cho phi hành đoàn ngồi để ăn uống khi "thực sự cần thiết".
"Tôi nói khi thực sự cần thiết vì chúng tôi được khuyến cáo hạn chế tối đa việc cởi bỏ khẩu trang, vì thế nên ngay cả việc ăn uống cũng không thể thoải mái được", anh Trung chia sẻ.
Cũng theo nam tiếp viên, điều mà anh không thể quên sau chuyến bay này đó chính là tiếng vỗ tay của hành khách, lời cảm ơn của họ cho Vietnam Airlines, và tiếng hô "sống rồi anh em ơi" khi máy bay tiếp đất. "Chúng tôi đã bật khóc vì cảm động, vì tự hào và vì hạnh phúc", anh nghẹn ngào chia sẻ.
Được biết, sau chuyến bay, phi hành đoàn sẽ cách ly ở Bệnh viện Nhiệt đới trung ương chứ không phải ở Đoàn tiếp viên như mọi lần.
"Điều kiện ở đây rất tốt, phi hành đoàn được quan tâm và chăm sóc chu đáo giống như ở nhà vậy. Tôi đã sẵn sàng cho chuyến bay và mọi tình huống xảy ra. Chúng tôi luôn tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ của nước nhà. Anh Hùng- bác sĩ phụ trách chuyến bay nói với chúng tôi: Các bạn yên tâm, nếu có vấn đề gì thì bệnh viện sẽ dành cho các bạn những điều tốt nhất để chữa trị. Điều mà tôi mong muốn nhất là toàn bộ phi hành đoàn sẽ sớm có kết quả xét nghiệm âm tính. Tất cả hành khách sẽ khoẻ mạnh để sớm được về nhà", nam tiếp viên nói.
Tin từ Vietnam Airlines, cho biết có 9 phi công, 125 tiếp viên (trong đó có 30 nữ) và 13 nhân viên kỹ thuật viết đơn tình nguyện tham gia chuyến bay đi Guinea Xích đạo.
Hãng quyết định lựa chọn 5 phi công và 8 tiếp viên nam, 3 nhân viên kỹ thuật là thành viên tổ bay bằng máy thân rộng Airbus A350. Trong 5 phi công, có 3 cơ trưởng và 2 cơ phó.
"Chỉ huy trưởng chuyến bay là cơ trưởng - giáo viên bay Phạm Đình Hưng, phó đội trưởng đội bay Airbus A350 của Vietnam Airlines, người từng thực hiện chuyến bay giải cứu công dân ở Lybia năm 2011.
2 người còn lại là Tôn Dương Tuấn, 35 tuổi, và cơ phó Ngô Trung Đức, 27 tuổi, đều là người từng thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam từ Đức, Pháp về nước trong thời gian qua.
Với 8 tiếp viên nam trên chuyến bay, có 7 người từng tham gia các chuyến bay giải cứu công dân từ Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Ukraine, Mỹ, Canada, Thái Lan… trong dịch Covid-19.
Trong 2 nhân viên kỹ thuật tham gia chuyến bay, có nhân viên đảm bảo hệ thống điện, dẫn đường máy bay Nguyễn Tiến Hoàng, 37 tuổi, người đã từng tham gia các chuyến bay giải cứu công dân từ Pháp, Thái Lan.
Nhân viên phục vụ mặt đất Hoàng Trung Kiên, 40 tuổi trước đó từng tham gia các chuyến bay giải cứu công dân ở Lybia năm 2011 và ở Vũ Hán, Canada trong dịch Covid-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận