Theo khuyến cáo của bác sĩ, 8/10 lời khuyên về dùng thuốc trên mạng là sai |
Chia sẻ với báo Giao thông, PGS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai, Hà Nội cho biết: “Điều rất lạ là hiện giờ rất nhiều cha mẹ tin tưởng ở "bác sĩ google" hơn bác sĩ thật. Cứ lên mạng, tìm triệu chứng tương tự, đọc thấy hướng dẫn dùng thuốc gì là tự ý ra mua thuốc đó về dùng”. Ông Dũng cho biết thêm, nhiều trường hợp trẻ nhập viện khi diễn biến bệnh đã rất nặng, khi hỏi ra mới biết cha mẹ trẻ lấy đơn thuốc trên mạng về cho trẻ dùng.
Vô cùng tò mò trước “xu hướng mới” này, BS. Dũng cũng thử tìm hiểu “bác sĩ google”, ông thật sự giật mình khi vào các trang mạng không phải chuyên ngành y học. “10 tin khuyên nhau uống thuốc này, thuốc kia hay phương pháp điều trị thì sai đến 8. Với tỷ lệ này nếu chúng ta cứ lấy thông tin trên mạng để điều trị bệnh thì rất nguy hiểm. Bệnh không khỏi mà còn tốn kém tiền bạc, thời gian”, PGS. Dũng khuyến cáo.
Dẫn chứng cho điều này, ông Dũng đau xót kể về trường hợp một cháu bé chỉ có 2 tháng tuổi. Khi thấy con sốt, ho, người mẹ đã lên mạng hỏi và nhận được lời khuyến về cách dụng thuốc trị ho. Thế nhưng chỉ đến chiều tối, con chị buộc phải cấp cứu vì trẻ không thở được, tím tái cả người. Khi vào viện, trẻ được bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, đến lúc này, bà mẹ khóc lóc rằng “con tôi buổi sáng vẫn bình thường, tại sao bây giờ lại viêm phổi được”. PGS Dũng cho biết đây là điều đáng tiếc bởi viêm phổi ở trẻ sơ sinh không dễ nhận biết và cha mẹ không đưa con đi bác sĩ cứ tự theo dõi dẫn đến biến chứng nặng.
Còn một trường hợp bệnh nhân khác cũng khiến PGS Dũng rất nhớ. Đó là một bé gái 17 tuổi từ Buôn Mê Thuột rất xinh xắn nhưng khắp người lại nổi kín mụn. Hỏi ra mới biết, bố mẹ nghi ngờ con mắc hen, không đi khám là tra thông tin trên mạng, và suốt nhiều năm qua vẫn dùng loại thuốc đó mà không khỏi. Khi khám thì cháu đã bị tác dụng phụ của thuốc corticoid làm cho mụn mọc đầy mặt, vén lưng khám đầy lưng mụn, trứng cá mọc toàn thân. “Điều đáng nói, là sau khi khám thì trẻ hoàn toàn không phải mắc hen”, ông Dũng cho biết.
Theo khuyến cáo của PGS. Dũng, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên mới có quy định chỉ hai người được tư vấn và cung cấp thuốc cho bệnh nhân, đó là bác sĩ và dược sĩ. Trong đó, dược sĩ chỉ được tư vấn cho bệnh nhân nhóm thuốc không có đơn mặt hàng thuốc OTC, còn lại phải được bác sĩ kê đơn sau khi khám, đặc biệt là với các loại thuốc kháng sinh. Bởi mỗi 1 kháng sinh chế ra tiêu diệt một số vi khuẩn nhất định. “Khi sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bệnh nặng, hay nhẹ, cần dùng kháng sinh hay không, thời gian dùng bao lâu, uống hay bôi, chưa kể các yếu tố cơ địa, tuổi tác, nền bệnh khác nhau. Một bác sĩ học kháng sinh mất thời gian rất lâu, chưa kể bác sĩ khám bệnh phải rất có kinh nghiệm để phát hiện bệnh nặng nhẹ, vi khuẩn nào gây bệnh mới kê đơn. Chính vì vậy, các gia đình tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của "bác sĩ google””, BS. Dũng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận